image banner
CHÍNH SÁCH LỰA CHỌN TRONG XÂY DỰNG LUẬT THỰC HIỆN DÂN CHỦ
CÁC CHÍNH SÁCH LỰA CHỌN TRONG QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG DỰ ÁN LUẬT THỰC HIỆN DÂN CHỦ Ở CƠ SỞ NĂM 2022

Vào ngày 10/11/2022 tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV đã thông qua Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, gồm 6 Chương và 91 Điều. Luật này có hiệu lực thi hành từ 01/07/2023.
Phòng Tư pháp Quỳ Hợp tổng hợp các chính sách lựa chọn trong quá trình xây dựng dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, gồm:
  1. Chính sách mở rộng phạm vi các thông tin chính quyền cấp xã phải công khai rộng rãi
  1. Mục tiêu của chính sách:
Công khai rộng rãi một số thông tin của chính quyền cấp xã để nhân dân thực hiện tốt hơn quyền làm chủ của mình; tăng trách nhiệm giải trình và tính công khai, minh bạch trong hoạt động của chính quyền cấp xã.
Tạo thuận lợi cho nhân dân tiếp cận thông tin của chính quyền cấp xã để bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Tạo cơ hội cho người dân được tham gia giám sát hoạt động quản lý nhà nước, đóng góp ý kiến vào công tác quản lý, điều hành của các cơ quan nhà nước và thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra”.
  1. Nội dung chính sách:
Quy định mở rộng phạm vi các thông tin chính quyền cấp xã phải công khai rộng rãi (so với hiện nay), bổ sung các thông tin chính quyền cấp xã có thể quyết định công khai cho nhân dân.
  1. Giải pháp thực hiện chính sách:
Quy định công khai thông tin về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và sơ đồ tổ chức của các cơ quan, đơn vị, bộ phận của chính quyền cấp xã; thủ tục, quy trình giải quyết công việc của cán bộ, công chức cấp xã; phân công công việc; lịch làm việc; lịch hẹn; số điện thoại; số fax; địa chỉ email của cán bộ, công chức giải quyết công việc được phân công liên quan đến nhân dân; địa chỉ, trụ sở của cơ quan; địa điểm và người có thẩm quyền giải quyết công việc của công dân. Quy định công khai thông tin mà chính quyền cấp xã nhận được từ các cơ quan nhà nước để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình và thông tin có liên quan đến việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của công dân.
  1. Chính sách đa dạng hóa các hình thức công khai thông tin của chính quyền cấp xã
  1. Mục tiêu của chính sách:
Đa dạng hóa các cách thức để nhân dân tiếp cận được các thông tin mà chính quyền cấp xã công khai.
Tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận thông tin của các đối tượng gặp khó khăn trong việc tiếp cận như: Người khuyết tật, người sinh sống ở khu vực biên giới, hải đảo, dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn,...
Bảo đảm quyền bình đẳng của công dân trong việc tiếp cận thông tin là cơ sở để bảo đảm bình đẳng trong việc thực hiện các quyền, nghĩa vụ của công dân.
Bảo đảm quyền chủ động, sáng tạo của chính quyền địa phương cấp xã trong việc công khai thông tin, bảo đảm tính khả thi của việc công khai thông tin ở các địa bàn khác nhau.
  1. Nội dung chính sách:
Quy định mở rộng phạm vi các thông tin chính quyền cấp xã phải công khai rộng rãi (so với hiện nay), bổ sung các thông tin chính quyền cấp xã có thể quyết định công khai cho nhân dân.
  1. Giải pháp thực hiện chính sách:
Bổ sung hình thức công khai thông tin so với hiện nay là hình thức đăng tải thông tin trên Cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử của HĐND, UBND cấp xã; công khai thông tin thông qua việc lấy ý kiến nhân dân, cơ chế đối thoại, tiếp công dân của UBND cấp xã; đồng thời công khai thông tin bằng các hình thức khác thuận lợi cho công dân do cơ quan có trách nhiệm công khai thông tin xác định; bổ sung các hình thức công khai thông tin tạo thuận lợi cho việc tiếp cận thông tin của đối tượng là người khuyết tật, người sinh sống ở khu vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
  1. Chính sách về trách nhiệm giải trình của chính quyền cấp xã trong quá trình ban hành các quyết định hành chính quyết định hành chính bất lợi cho công dân hoặc liên quan đến lợi ích của cộng đồng
  1. Mục tiêu của chính sách:
Có cơ chế để cơ quan, tổ chức, cá nhân kiểm soát tính hợp pháp, hợp lý, khả thi của quyết định hành chính của chính quyền cấp xã; bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong quá trình ban hành quyết định hành chính của chính quyền cấp xã.
Tăng cường trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc ban hành quyết định hành chính có liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân; tính minh bạch, công bằng trong ban hành quyết định hành chính bất lợi.
Nâng cao tính minh bạch, hiệu quả trong hoạt động của chính quyền cấp xã.
  1. Nội dung chính sách:
Quy định trách nhiệm đối thoại, trách nhiệm giải trình, tổ chức lấy ý kiến nhân dân của chính quyền cấp xã trong quá trình ban hành các quyết định hành chính bất lợi cho công dân hoặc liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân.
  1. Giải pháp thực hiện chính sách:
Quy định trách nhiệm của chính quyền cấp xã, trong việc giải trình, tổ chức đối thoại trong trường hợp ban hành quyết định hành chính bất lợi cho đối tượng thi hành đồng thời quy định trách nhiệm cơ quan nhà nước cấp trên ban hành quyết định hành chính có liên quan đến lợi ích cộng đồng phải tổ chức lấy ý kiến nhân dân tại địa bàn xã.
  1. Chính sách về tăng cường các biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở
  1. Mục tiêu của chính sách:
Bảo đảm các quy định về thực hiện dân chủ ở cơ sở được thi hành trong thực tiễn; bảo đảm tính khả thi của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, khắc phục những hạn chế, bất cập trong việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở trước đây.
Nâng cao ý thức về quyền và nghĩa vụ của công dân, năng lực làm chủ, tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội của nhân dân; nâng cao năng lực để nhân dân thực hiện đầy đủ quyền làm chủ, nhất là dân chủ trực tiếp để phát huy mạnh mẽ khả năng sáng tạo, bảo đảm đồng thuận cao trong xã hội.
  1. Nội dung chính sách:
Quy định các biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở.
  1. Giải pháp thực hiện chính sách:
Quy định về bồi dưỡng nâng cao năng lực của cán bộ, công chức cấp xã làm đầu mối cung cấp thông tin của UBND cấp xã (theo quy đị nh của Luật tiếp cận thông tin), đồng thời là người trực tiếp tổ chức thực thi pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở; tăng cường việc đăng tải các thông tin của chính quyền cấp xã và các thông tin do chính quyền cấp xã nhận được trên cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử của HĐND, UBND cấp xã; tăng cường cung cấp thông tin của chính quyền cấp xã và các thông tin do chính quyền cấp xã nhận được trên các phương tiện thông tin đại chúng.
  1. Chính sách phân định rõ trách nhiệm của các chủ thể trong việc tổ chức thực hiện pháp luật về dân chủ ở cơ sở
  1. Mục tiêu của chính sách:
Phân công rõ trách nhiệm của các cơ quan hành chính nhà nước; trách nhiệm của tập thể và cá nhân, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước trong việc thực hiện pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Bảo đảm các quy định về thực hiện dân chủ ở cơ sở được thi hành trong thực tiễn; bảo đảm tính khả thi của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, khắc phục dân chủ hình thức.
  1. Nội dung chính sách:
Quy định phân công trách nhiệm của các chủ thể trong việc tổ chức thực hiện pháp luật về dân chủ ở cơ sở.
  1. Giải pháp thực hiện chính sách:
Quy định rõ trách nhiệm của cán bộ, công chức cấp xã được giao nhiệm vụ về thực hiện dân chủ ở cơ sở trong việc thực hiện dân chủ ở cơ sở ; trách nhiệm của Chính phủ, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong việc thực hiện dân chủ cơ sở và trách nhiệm của Bộ Nội vụ trong việc giúp Chính phủ theo dõi chung việc thi hành Luật.
6. Chính sách Luật hóa quy định về thực hiện dân chủ ở cơ sở (bao gồm thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập và thực hiện dân chủ tại nơi làm việc)
a) Mục tiêu của chính sách:
Thực hiện đúng chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Kết luận số 120-KL/TW về trách nhiệm của Đảng đoàn Quốc hội trong công tác thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng có liên quan đến dân chủ ở cơ sở.
Nâng cao giá trị pháp lý các quy định của pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở phù hợp với vị trí, vai trò và ý nghĩa của thể chế “dân chủ” được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013.
b) Nội dung chính sách:
Xây dựng Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở trên cơ sở luật hóa các quy định của Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; Nghị định số 04/2015/NĐ-CP về thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập và Chương IV Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động (phần quy định về thực hiện dân chủ tại nơi làm việc).
c) Giải pháp thực hiện chính sách:
Phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền làm chủ của Nhân dân và nguyên tắc ghi nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm và hạn chế quyền công dân. Tạo khung pháp lý vững chắc về thực hiện dân chủ ở cơ sở, một mặt phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, mặt khác nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, kiểm soát quyền lực nhà nước, hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa.
Thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng tại Chỉ thị số 30-CT/TW, Kết luận số 120-KL/TW và Thông báo kết luận số 160-TB/TW ngày 15/01/2020 của Bộ Chính trị, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta.
Các quy định pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở được luật hóa một cách đồng bộ, thống nhất, tạo điều kiện thuận lợi cho Nhân dân, cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp tổ chức thực hiện.
7. Chính sách quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của công dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong thực hiện dân chủ ở cơ sở
a) Mục tiêu của chính sách:
Tạo cơ sở pháp lý để công dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ về dân chủ ở cơ sở, làm cơ sở để đánh giá và có chế tài xử lý đối với các hành vi vi phạm quyền, nghĩa vụ về thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Nâng cao nhận thức của người dân, cán bộ, công chức, người lao động, cơ quan hành chính nhà nước, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập, người sử dụng lao động về quyền và trách nhiệm trong thực hiện dân chủ ở cơ sở.
b) Nội dung chính sách:
Quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ của công dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong thực hiện dân chủ ở cơ sở.
c) Giải pháp thực hiện chính sách:
Giải pháp này bảo đảm nguyên tắc “Quyền công dân không tách rời nghĩa vụ công dân” theo quy định tại khoản 1 Điều 15 Hiến pháp năm 2013.
Quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của công dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động mà không lồng ghép trong các quy định chung khác, một mặt góp phần nâng cao ý thức về quyền và nghĩa vụ của công dân, năng lực làm chủ, tham gia quản lý xã hội của công dân, mặt khác sẽ tạo sự chủ động cho Nhân dân trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định của pháp luật.
Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan sẽ được giám sát chặt chẽ trong quá trình thực hiện các quy định về dân chủ ở cơ sở, từ đó ngăn ngừa tình trạng trốn tránh trách nhiệm hoặc tổ chức thực hiện một cách hình thức.
8. Chính sách mở rộng phạm vi dân chủ trực tiếp của Nhân dân
a) Mục tiêu của chính sách:
Cụ thể hóa định hướng xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, trong đó có yêu cầu “mở rộng các hình thức dân chủ trực tiếp để người dân tham gia vào công việc của Nhà nước” tại Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 và Kết luận số 01-KL/TW ngày 04/4/2016 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020.
Phù hợp với quy định và tinh thần của Hiến pháp năm 2013 về nâng cao vai trò của dân chủ trực tiếp trong việc thực hiện quyền làm chủ của Nhân dân.
b) Nội dung của chính sách:
 Mở rộng phạm vi các vấn đề Nhân dân bàn và quyết định trực tiếp; quy định cụ thể trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền đối với việc công nhận quyết định của cộng đồng dân cư (phạm vi, thẩm quyền và căn cứ công nhận); quy định về sáng kiến Nhân dân (Nhân dân có quyền đề xuất các vấn đề đưa ra cộng đồng dân cư bàn bạc, quyết định).
c) Giải pháp thực hiện chính sách:
Phù hợp với chủ trương của Đảng và Hiến pháp năm 2013 về mở rộng dân chủ trực tiếp;
Dân chủ trực tiếp ở cơ sở được mở rộng hơn, theo đó là mở rộng nội dung Nhân dân được bàn và quyết định những công việc quan trọng, thiết thực, gắn liền với quyền và lợi ích hợp pháp của Nhân dân, nâng cao vai trò và giá trị quyết định của Nhân dân; thể chế hóa thêm một bước phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” theo chủ trương của Đảng.
Bảo đảm việc mở rộng có chọn lọc trên cơ sở kế thừa các yếu tố hợp lý quy định của pháp luật hiện hành về việc Nhân dân biểu quyết, cơ quan có thẩm quyền công nhận; bảo đảm tính ổn định trong tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở;
Có cơ chế kiểm tra, kiểm soát tính hợp hiến, hợp pháp đối với quyết định của cộng đồng dân cư; việc công nhận hoặc bãi bỏ quyết định của cộng đồng dân cư được thực hiện công khai, minh bạch;
Ghi nhận quyền đề xuất sáng kiến Nhân dân, nâng cao vai trò, trách nhiệm của Nhân dân trong thực hiện dân chủ ở cơ sở./.
                                                                                                                      PHÒNG TƯ PHÁP QUỲ HỢP
 
Admin
THÔNG BÁO
Đăng nhập
Trang chủ | Hỏi đáp | Thư điện tử | Sơ đồ cổng | Liên hệ-Góp ý

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN QUỲ HỢP
Chịu trách nhiệm nội dung: Chủ tịch UBND huyện
Trụ sở: Thị trấn Quỳ Hợp - Huyện Quỳ Hợp - Tỉnh Nghệ An
Điện thoại: 0238.3 883 141 - Email: quyhop@nghean.gov.vn