Từ những quả đồi trơ trọc, khô cằn, Anh Vi Văn Bốt, sinh năm 1965, dân tộc Thái, ở bản Đồng Minh, xã Châu Thái, huyện Qùy Hợp đã cải tạo, trồng mới thành những khu rừng xanh tốt mang lại giá trị kinh tế cao.
Từ những quả đồi trơ trọc, khô cằn, Anh Vi Văn Bốt, sinh năm 1965, dân tộc Thái, ở bản Đồng Minh, xã Châu Thái, huyện Qùy Hợp đã cải tạo, trồng mới thành những khu rừng xanh tốt mang lại giá trị kinh tế cao.
Nhân chuyến công tác cùng với Tổng đội TNXP III Qùy Hợp đi kiểm tra công tác PCCR, Chúng tôi được anh Lê Quốc Thành, Tổng đội trưởng, Tổng đội TNXP III Qùy Hợp chỉ tay về phía núi Đồng Minh xanh rì, nói với chúng tôi: “Công sức của anh Bốt đấy, anh ấy đã làm được điều mà không ai có thể nghĩ là làm được" Anh Bốt là vua trồng rừng của xã Châu Thái đó.
Anh Vy Văn Bốt ( người đứng giữa) đang hướng dẫn
các gia đình trong bản kỹ thuật chăm sóc vườn rừng.
Anh Vy Văn Bốt là con thứ 4 trong gia đình 5 anh em ở vùng đất Thái Học xã Châu Thái huyện Qùy Hợp. Cuộc sống gia đình chỉ trông chờ vào các sản phẩm từ rừng. Khi nguồn các sản phẩm từ rừng cạn kiệt dần, các cánh rừng đã khai thác hết, cuộc sống gia đình vô cùng khó khăn,cơ cực, nhất là khi các anh chị em và anh thành lập gia đình. Làm gì để xóa đói giảm nghèo luôn là nỗi trăn trở của anh. Thấy ở quê mình có nhiều cánh rừng bị khai thác trơ trọi, nhiều quả diện tích đất đồi bỏ hoang, anh Bốt không khỏi xót xa. Khi chính sách giao đất giao rừng ra đời. Nhà nước giao rừng không ai nhận, anh Bốt và gia đình đã mạnh dãn nhận khoanh nuôi bảo vệ rừng. Không ngại khó khăn, vất vả. Hàng ngày, anh cùng vợ vẫn đều đặn vác cuốc leo đồi cần mẫn đào từng hố đất, ươm từng mần xanh trên vùng đất khó để trồng rừng. Trò chuyện cùng Chị Vy Thị Hồng, vợ anh Bốt, chị rơm rớm nước mắt kể với chúng tôi " Ngày xưa vợ chồng nghèo khổ lắm, nhà cửa chưa có, ngày ngày túi mặt, túi mũi đi làm, con đang nhỏ cứ thả rứa, tối mò mới về, nhà bố mẹ hai bên cũng nghèo, không có chi cho, từ khi nhà nước chi đất, chia rừng cho trồng rừng, mỗi năm trồng một ít, dừ thấy rừng thật tốt, thấy đẹp, rất mừng".
Thấy thế anh Bốt bộc bạch thêm " Nói chung tôi cũng làm đủ nghề rồi, thấy họ đi làm gỗ cũng đi làm theo thấy không hiệu quả chi cả, có khi đi rừng khai thác gỗ cả tháng cũng chỉ đủ tiêu xài thôi, khổ nhất là bị sốt rét ác tính, nhiều đợt tưởng bỏ mạng trong rừng rồi. vợ con nheo nhóc. Tháy họ trồng rừng đem lại kinh tế khá khá. thế là tôi nói với vợ con là quay lại ta trổng rừng, coi đài, ti vi thấy họ làm ăn cũng hiệu quả, cố gắng vào trồng rừng thôi. Từ nhỏ sống nhờ rừng, bây giờ cây to chặt cạn kiệt rồi, phát lại trồng, cải tạo lại đất. Anh trâm ngâm một lúc rồi réo một điếu thuốc lào, rồi nói tiếp: Phải bám lấy rừng mà sống thôi. Nhà nước có chủ trương giao rừng, tôi nhận 5 ha trồng thử, 2 năm sau thấy cây mau lớn, chóng bén, năm 2007 nhận thêm trồng 10 ha, thấy ổn định lại nhận thêm vài chục ha, Nhờ được cán bộ khuyến nông xã và Tổng đội TNXP III Qùy Hợp hướng dẫn kỹ thuật cung ứng cây giống, phân bón. Do làm đúng kỹ thuật, nên rừng phát triển nhanh và đều. Cứ mỗi năm diện tích rừng tăng dần,cây bắt đầu vào dịp thu hoạch rồi. Cuộc sống bây giờ ổn định rồi, nhờ vào trồng rừng cả mà”.
Cùng với nhiều diện tích rừng trồng, anh Vy Văn Bốt còn nhận khoán KNBVR
nhiều cánh rừng đã có những thân gỗ to có đường kính từ 50 - 70cm.
Không chỉ làm giàu cho gia đình mình, bản thân anh còn tuyên truyền vận động bà con nhân dân trong bản cùng nhau trồng rừng, phát triển kinh tế rừng, Sẵn sàng tương trợ, giúp đỡ các gia đình khó khăn trong bản về cây giống, vật tư, hướng dẫn cách trồng và chăm sóc rừng, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động địa phương.
Đến thăm trang trại gia đình Chị Hà Thị Hương, chị tâm sự "Gia đình trước khổ lắm, không biết làm chi, được nhà chú Bốt giúp cho cây giống, bày cách trồng, chăm sóc, từ đó gia đình cũng đã trồng được rừng, tốt lắm, gia đình đã có cuộc sống ổn định, chú Bốt không chỉ giúp gia đình mình mô, mà còn giúp nhiều gia đình trong bản nữa".
Mỗi loại cánh rừng, mỗi quả đồi, anh đều quy hoạch chi tiết cho từng vùng riêng, làm đường giao thông liên khoảnh, liên lô để thuận lợi cho việc chăm sóc, bảo vệ và vận chuyển. Ban đầu, anh trồng với mật độ dầy, sau đó, tỉa cây bán dần, vừa tận dụng quỹ đất, vừa tạo nguồn thu trước mắt. Ngoài ra anh còn tận dụng các khe suối, anh đào đắp ngăn thành bai đập, một mặt dùng để giữ nước phục vụ cho việc tưới cây, mặt khác dùng để thả cá. Trong lúc mọi người đang cùng nhau kéo cá, làm thịt vịt thiết đại đoàn khách bữa trưa, Ông Lương Hồng Lê, Xóm trưởng, xóm Đồng Minh, xã Châu Thái nói với tôi: " Gia đình chú Bốt là gia đình tiên phong đầu tiên đưa keo vào trồng, người trồng rừng nhiều nhất xóm, không những làm lợi cho gia đình chú Bốt mà còn cả dân bản. Bà con trong bản không phát rừng làm rẫy nữa, bắt đầu ý thức trồng rừng, thấy nguồn lợi từ rừng. Chú Bốt không những cung cấp cây con giống cho bà con mà còn giúp bà con hướng vào trồng rừng và kiếm công ăn việc làm cho bà con. Từ mô hình nhà chú Bốt bà con học tập làm theo. Họ xưng chú Bốt là "Vua" trồng rừng đó.
Đất không phụ công người, đến nay gia đình anh đã có hơn 40ha rừng trồng, 5 ha rừng khoanh nuôi bảo vệ, trong đó có gần 25 ha rừng keo nguyên liệu bắt đầu cho thu hoạch, 10 con trâu, trên 1.000m2 mặt hồ nuôi cá, đều đặn hàng năm xuất từ 3-5 tấn lợn, hàng trăm con gà, vịt… cho tổng thu nhập trên dưới 150 triệu đồng/năm.
Nhờ gương trồng rừng của anh Bốt mà nhiều gia đình ở Đồng Minh đã trồng được rừng, Toàn bộ đất đồi núi trọc trước đây của xã Châu Thái đã được phủ kín màu xanh của rừng.
Gương bảo vệ rừng, giàu tâm huyết với núi rừng, dựa vào rừng làm giàu của chàng trai người Thái Vy Văn Bốt ở xóm Đồng Minh, huyện Qùy Hợp đã có sức thuyết phục, lan tỏa, được bà con trong bản, trong xã và các xã lân cận học tập làm theo.
Huy Nhâm - Đài Qùy Hợp