Đã lâu lắm rồi, những ngôi nhà nhỏ năm heo hút bên dòng suối Na Cồ mới có một đêm vui như thế. Cả bản đã thức để sửa soạn hành trang cho cô bé Vi Thị Tâm lên đường về Vinh nhập học. Cô bé nhỏ thó ngày ngày vượt suối Na Cồ để đến trường sẽ trở thành tân sinh viên khoa ngữ văn trường Đại học Vinh, viết nên một giấc mơ có thật của những cô cậu học trò nghèo quanh năm lam lũ.
Đã lâu lắm rồi, những ngôi nhà nhỏ năm heo hút bên dòng suối Na Cồ mới có một đêm vui như thế. Cả bản đã thức để sửa soạn hành trang cho cô bé Vi Thị Tâm lên đường về Vinh nhập học. Cô bé nhỏ thó ngày ngày vượt suối Na Cồ để đến trường sẽ trở thành tân sinh viên khoa ngữ văn trường Đại học Vinh, viết nên một giấc mơ có thật của những cô cậu học trò nghèo quanh năm lam lũ.
Chuyện về cô bé giàu nghị lực...
Sinh ra trong một gia đình dân tộc Thái có 4 chị em ở Bản Pựn, xã Châu Lý (Quỳ Hợp). Bố mẹ thường đi làm thuê kiếm sống qua ngày lại đau ốm liên miên nên nhà Tâm nghèo lắm. Cả 6 con người tá túc trong căn lều nhỏ biệt lập trên một khu đồi cách xa bản nên muốn đến nhà em chỉ có cách duy nhất là bì bỏm lội ngược giữa dòng suối Na Cồ. Buổi tôi cùng với những nhà hảo tâm đến thăm, động viên em trước ngày nhập học, mọi người đã có một hành trình cùng lội suối vượt dốc hết sức vất vả. Ai đó trong đoàn cùng đi đã thốt lên rằng, không thể hình dung bằng cách nào mà cô bé con ấy cứ đều đặn đến trường bất kể nắng mưa trên “con đường” này.
Trong căn lều nhỏ, mọi người đã được nghe câu chuyện về em, câu chuyện về chuỗi những tháng ngày vượt khó. Đến bây giờ các thầy cô giáo Trường Tiểu học số 2 Châu Lý vẫn nhớ như in hình ảnh cô trò nhỏ chuyên cần đến lớp, có những lần bị cảm sốt vẫn nhờ bạn cõng đến trường chứ nhất quyết không bỏ học. Suốt những năm học phổ thông em đều góp mặt trong đội tuyển tham gia thi học sinh giỏi của các trường.
Vi Thị Tâm cùng món quà đến từ những tấm lòng thơm thảo.
Tâm kể với tôi rằng ngay từ năm tốt nghiệp lớp 9, em đã phải chọn lựa giữa hai con đường: theo học tiếp lên THPT hoặc là “dừng lại” vì nhà quá nghèo sợ bố mẹ không lo nổi. Và em đã quyết tâm vừa theo học lên THPT vừa đi tìm việc làm thêm để lấy tiền trang trải tự lo cho mình. Năm ấy, thi tốt nghiệp THCS xong, em gác lại sách vở và xin người lớn cho cùng đi làm thuê để lấy tiền đi học. Suốt mấy tháng hè em đi làm thuê cuốc cỏ cho các trang trại tại huyện Tân Kỳ. Số tiền dành dụm được em mua một chiếc xe đạp cũ làm phương tiện đi học vì nhà em cách xa trường huyện hơn 20km. Suốt 3 năm học THPT, cứ tranh thủ ngày nghỉ là em lại đạp xe về nhà gia nhập tổ đi làm thuê để gom góp tiền lo cho việc học hành. Các trang trại ở khắp mạn Tân Hợp, Giai Xuân (Tân Kỳ), Hạ Sơn, Văn Lợi (Quỳ Hợp) đều đã hằn in dấu chân cô học trò nghèo ấy...
Khép lại kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, khác với chúng bạn cùng trang lứa lo tìm lớp ôn thi Đại học, Tâm lại khăn gói đi làm thuê. Thời gian ôn thi của em chỉ vẻn vẹn 6 ngày, em nói với tôi rằng sở dĩ thời gian ôn thi ít thế bởi không đi làm thuê thì không có tiền mà đi thi nên chỉ “dành” cho mỗi môn 2 ngày. 6 ngày ôn lại kiến thức của 3 môn khối C nhưng kết quả tổng điểm của em là 17 điểm. Hôm nhận giấy báo trúng tuyển Khoa ngữ văn Trường Đại học Vinh, em đã òa khóc nức nở, mừng vì trúng tuyển nhưng nỗi lo còn lớn hơn là lấy đâu ra tiền để mà theo học.
Từ khi nhận giấy báo nhập học đến nay, đã mấy lần bố mẹ và họ hàng họp bàn tìm cách để em được theo học Đại học nhưng đều ..bó tay- không lối thoát, vì mọi nhà đều cũng đang trong cảnh nghèo như nhau. Nghĩ đã hết phương cách, Tâm lẳng lặng làm đơn xin vào Miền nam làm công nhân, gác lại giấc mơ đến với giảng đường bao ngày ấp ủ...
Và.. “phép màu” từ những tấm lòng thơm thảo
Ngày em mang hồ sơ xin xác nhận lý lịch để đi làm công nhân, qua trò chuyện cùng em, lãnh đạo địa phương càng hiểu thêm về gia cảnh. Mọi người bàn nhau tìm cách giúp đỡ em. Qua phương tiện truyền thông, điện thoại.. câu chuyện về em được nhiều người biết đến. Và, sự đồng cảm đã kết nối những tấm lòng. Ngay sau khi biết tin, Công ty TNHH Duyên Hoàng đã gửi cho em 3 triệu đồng cùng lời động viên em vượt qua khó khăn để đến trường nhập học. Thượng tá Nguyễn Đình Nghị- Trưởng công an huyện Quỳ Hợp đã kêu gọi cán bộ cơ quan góp tiền lương ủng hộ. Lãnh đạo xã Châu Lý cũng trích tiền lương của mình để giúp đỡ em. Công ty cổ phần khoáng sản và thương mại Trung Hải, Công ty TNHH đá Phủ Quỳ... trích quỹ phúc lợi để giúp em bớt phần khó khăn.
Ngày 04/9- một ngày trước khi em lên đường nhập học, Trưởng công an huyện Quỳ Hợp cùng lãnh đạo cơ quan và giám đốc các công ty đã lặn lội vượt suối đến tận nhà em trao tiền và động viên em nhập học. Đến cuối ngày 04/9 số tiền giúp em nhập học đã có hơn 14 triệu đồng.
Tối 04/9 tôi đã cùng các thầy giáo trường THCS Châu Lý trở lại thăm gia đình em và chứng kiến niềm vui vỡ òa trong căn lều nhỏ. Mọi người trong bản đều đến động viên, lo chuẩn bị hành trang để em ngày mai lên đường nhập học- Na Cồ đã có một đêm không ngủ, một đêm ăm ắp tình người...
Trao tiền giúp đỡ em trước lúc lên đường nhập học.
Từ chính những tấm lòng thơm thảo, giấc mơ đến với giảng đường Đại học của cô học trò nghèo giàu nghị lực Vi Thị Tâm đã thành hiện thực. Chặng đường phía trước của cô học trò nghèo hẳn còn không ít gian nan, nhưng chắc chắn rằng em đã có thêm nhiều động lực vượt khó, bởi cùng với những giá trị vật chất mọi người đã đem đến cho em cái lớn lao hơn là niềm tin về cuộc đời này. Phải chăng cùng với nghị lực vượt khó của những cô cậu học trò nghèo; những nghĩa cử, những tấm lòng thơm thảo ấy đang viết nên những trang “cổ tích” của thời nay- Cổ tích cho ngày tựu trường./.
Bài, ảnh:Cao Duy Thái