image banner
Người “thợ vườn” với nhiều sáng chế.
Với niềm đam mê sáng chế, anh Lê Văn Thỏa, một thợ cơ khí ở Thị trấn Quỳ Hợp từ nghề sửa xe đạp, anh vươn lên trở thành ông chủ, chế tạo ra biết bao máy móc hữu ích làm lợi hàng tỷ đồng cho doanh nghiệp và người sử dụng. Hiện tại anh còn chế tạo máy bay trực thăng để thỏa ước mơ được bay và nhiếu ý tưởng táo bạo khác.
Khởi nghiệp từ nghề sửa xe đạp.
 Cách đây gần 30 năm, bố mẹ anh Lê Văn Thỏa  là Việt kiều Thái Lan quê ở Quảng Bình về nước, theo tiếng gọi của Đảng gia đình anh đã di dân lên xây dựng vùng kinh tế mới tại Thị trấn Quỳ Hợp. Tuy là Việt Kiều, nhưng gia đình anh cũng chẳng khá giả gì. Được bố mẹ vợ ủng hộ anh hành nghề sửa chữa xe đạp.Vừa làm vừa tích cóp anh đã sắm sửa được 1 bộ hàn ôxy. Có bộ hàn trong tay, thay vì chỉ vá săm, anh sửa khung xe, hàn cổ phuốc. Say mê, vùi đầu vào sửa xe đạp không một ngày ngơi nghỉ. Đến năm 1990, gom góp được một ít vốn anh lại dốc tiền mua chiếc xe máy SimSon, bỏ lại nghề sửa xe đạp đang thịnh hành để tiếp tục dấn thân sang nghề sửa chữa xe máy. Sau 4 năm cùng nghề sửa xe máy, đến năm 1997 thì sắm sửa máy móc sửa chữa các loại xe ô tô cỡ lớn, đón đầu cuộc khai thác khoáng sản ồ ạt trên địa bàn. Khách hàng mở rộng, nhu cầu sửa chữa các loại máy công trình nhiều lên, từ xưởng nhỏ, anh đầu tư mở xưởng lớn hơn và năm 2007 thành lập hẳn doanh nghiệp tư nhân, thuê mướn thêm nhân công vào làm việc cho mình.
BAI VIET ONG THOA7
 
Xưởng cơ khí Nhân Độ do anh Lê Văn Thỏa làm giám đốc
Tự mày mò chế tạo máy móc và cả máy bay để thỏa mãn đam mê.
Công việc sửa chữa các loại máy móc công trình, như: máy xúc, máy cẩu… rất phức tạp. Các loại máy móc này thường không có phụ tùng để thay, nếu không may bị hỏng thì chỉ còn cách đem bán sắt vụn. Nhưng anh Thỏa lại nghĩ khác. Anh bảo, “cả một cỗ máy to như thế mà chỉ vì bị gãy tay cẩu, bị bể trục mà đành vứt thì phí quá. Thế là mình bảo với các chủ xe để mình làm thử”. Nghĩ là làm, năm 2004, anh Thỏa tự sáng chế ra chiếc máy doa lỗ đầu tiên. Máy này ra đời nhằm mục đích để doa các ổ trục cho máy công trình. Chiếc máy ban đầu này đã giải quyết được vấn đề tức thời, nhưng chất lượng còn thấp, vận hành vất vả. Sử dụng được 4 năm, đến năm 2008, anh cải tiến và biến chiếc máy đó trở thành chiếc máy doa lỗ di động. Chiếc máy này đã đáp ứng được đầy đủ các nhiệm vụ phục hồi các gối bạc, ổ bạc, gối bi, các khớp máy công trình không may bị hư hỏng. Đặc biệt máy này sử dụng nguồn điện thấp, chỉ cần có máy phát điện hoặc mô tơ nước loại 4 kw là có thể dùng được.
ANH 5
 
Máy búa rèn do anh Thỏa sáng chế không đủ phục vụ khách hàng
Thiết kế được một cái máy, anh lại lặn lội ôm hồ sơ ra tận Hà Nội để xin cấp bằng sáng chế. Máy doa lỗ di động sau đó đã được Bộ KH&CN cấp bằng sáng chế.
Anh làm việc như con thoi, đêm thì ngồi đo, vẽ, ngày thì lăn lộn với anh em công nhân trong xưởng, hiếm khi ngơi tay. Sau khi máy doa lỗ di động được cấp bằng, anh lại mày mò sáng chế ra máy tiện đá, máy búa rèn, máy cắt đá bằng dây. Đây là những loại máy so với tính năng đang có trên thị trường thì nó có nhiều tính ưu việt hơn và giá cả chỉ rẻ bằng một nửa.
Anh Lê Văn Thỏa, Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Nhân Độ cho hay: “Mặc dù là nhà sáng chế không chuyên, nhưng tôi có đam mê về ngành nghề cơ khí, tôi thích cải tiến và chế tạo các loại máy móc hữu ích phục vụ sản xuất và đời sống. Sau 4 năm nghiên cứu tôi đã chế hoàn thành máy doa lỗ di động. Sau máy doa lỗ di động, tôi lại sáng chế ra được các loại máy khác như búa rèn thủ công để rèn dao búa và các vật dụng thủ công trong nhân dân. Tôi lại tiếp tục sáng chế chế  máy tiện đá phục vụ cho khu công nghiệp làng nghề  Thị trấn Qùy Hợp và một số tỉnh lận cận đã sử dụng chiếc máy của tôi để làm ra được hàng hóa nhiều hơn và chất lượng sản phẩm tốt hơn".
BAI VIET ONG THOA9
 
Ông Lê Văn Thỏa chuyển giao kỹ thuật chế tạo máy doa lỗ di động với công nhân.
Với sự chế tạo thành công các loại máy trên anh Thỏa tiếp tục đăng ký với Cục sở hữu trí tuệ để được cấp bằng sáng chế. Hiện nay 4 loại máy do anh sáng chế ngoài phục vụ nhu cầu của gia đình thì còn cung cấp cho các cơ sở khai thác, chế biến đá trong vùng và nhiều khách hàng ở tận Lạng Sơn, Hải Phòng tìm đến đặt mua. Riêng máy búa rèn thì được nhiều cơ sở từ Diễn Châu, Đô Lương, Yên Thành tìm đến đặt mua, giá chỉ 15 triệu đồng vừa rẻ lại bền chắc so với máy tương tự mua từ Trung Quốc về.
 Anh Trần Văn Trường, công nhân Doanh nghiệp tư nhân đá mỹ nghệ Thiện Tâm, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An chia sẻ: Từ khi anh Thỏa chế tạo cái máy này bọn em làm việc thấy nó rất khỏe, hiệu quả, công việc đều đều. Thường bọn em làm thủ công mỗi ngày làm được một sản phẩm, bây giờ có máy làm ra được 2 đến 3 sản phẩm về đá, đỡ tốn sức lao động hơn, thu nhập tăng lên”.
Anh Hồ Văn Ngọc, Công ty cổ phần An Sơn, xã Liên Hợp, Qùy Hợp đã sử dụng sản phẩm của anh Thỏa cho biết thêm: "Từ khi có cái máy của anh Thỏa thì chúng tôi bóc tách được những viên đá được dễ dàng hơn. Trước chúng tôi phải thực hiện khoan nổ mìn và khoan chét tốn khoảng 10 người làm từ 5 đến 7 ngày mới xong, nhưng làm khoan cắt dây thì chỉ cần 1 người và thời gian 1 buổi đã xong một khối đá 5 đến 7m3 rồi, đã góp phần giảm chi phí, tăng thu nhập cho công ty và người lao động".
BAI VIET ONG THOA4
 
Chiếc máy cắt đá bằng dây của ông Lê Văn Thỏa
được Công ty cổ phần An Sơn mua về sử dụng.
Không muốn dừng lại ở việc chế tạo máy móc cơ khí, cuối năm 2015 anh Thỏa bắt tay vào chế tạo máy bay trực thăng. Đây là ý tưởng nảy ra sau khi anh xem đoạn clip một ông lão 80 tuổi tự chế máy bay thành công trên mạng internet và thầm nghĩ  một cụ già còn làm được thì mình chẳng lẽ không. Thế là bắt tay vào làm. Để chế tạo chếc máy bay này anh đã nghiên cứu các tài liệu về khí động học, tham khảo các trường hợp từng chế tạo thành công máy bay trực thăng rồi bắt tay vào thực hiện. Anh tự tay vẽ hình, uốn sắt và cắt tôn để gò thành một bộ khung máy bay, riêng máy thì anh mua một chiếc máy xe ô tô con lắp vào, cánh thì thuê đúc ở Nam Định chuyển về. Chiếc máy bay của anh hoàn thành với chi phí khoảng hơn 100 triệu đồng. Chiếc máy bay này cũng đã được anh cho chạy thử nghiệm trên đường bằng và còn thiếu một số chi tiết nữa là có thể bay được. Khi được hỏi về ý tưởng này anh Thỏa chia sẻ: “Tôi có tính đam mê chinh phục khoảng không, tôi đã sáng chế ra 1 chiếc máy bay trực thăng để thứ nhất là thỏa mãn đam mê về ngành cơ khí và sau đó chiếc máy bay của tôi nó có những nhiệm vụ nữa là phục vụ cho phun thuốc trừ sâu ở những cánh đồng lớn, cho các trang trại lớn của các nông lâm trường để cho người không phải mang bình thuốc sâu đi sau lưng nữa để không ảnh hưởng đến sức khỏe. Tuy vậy chiếc máy bay của tôi đang trên đà chế tạo và hoàn thiện dần thì nó mới bay được".
BAI VIET ONG THOA1
 
Chiếc máy bay trực thăng của anh Thỏa sau khi thực hiện
chạy trên đường bằng, về xưởng anh tiếp tục tháo dỡ chế tạo để hoàn thiện
 
Thành công từ nỗ lực và đam mê.
Với nhiều sáng chế hữu ích mang lại vì cộng đồng anh Lê Văn Thỏa, một “thợ vườn”, một kỹ sư  không bằng cấp như anh đã liên tục trong năm 2015, 2016, 2017, 2019, 2021 được Sở khoa học công nghệ vinh danh đạt giải 3 và khuyến khích sáng tạo KHCN Nghệ An. Được UBND tỉnh tặng 2 bằng sáng chế cắt đá bằng dây, máy bóc bìa, rửa và phân loại đá và kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Khoa học và Công nghệ, Nghệ nhân làng nghề Việt Nam.
BAI VIET ONG THOA3
BAI VIET ONG THOA8
 
 Sở KHCN, LĐLĐ tỉnh, huyện trợ giúp anh Thỏa hồ sơ để công nhận các sáng kiến.
 Với nhiều sáng chế hữu ích mang lại vì cộng đồng trong thời gian qua, Sở khoa học công nghệ, Liên đoàn lao động tỉnh, Liên đoàn lao động huyện Quỳ Hợp đã tìm về xưởng cơ khí Nhân Độ của gia đình anh Thỏa để động viên, khuyến khích anh tiếp tục sáng chế và hỗ trợ về mặt pháp lý để các sáng chế của anh được công nhận kịp thời. Bà Hoàng Thị Thu Hương, Trưởng ban chính sách pháp luật-Liên đoàn lao động tỉnh trao đổi:“Theo quy định của Tổng Liên đoàn Việt Nam thì công nhân và cán bộ quản lý có sản phẩm làm lợi từ 80 triệu đến 200 triệu đồng trên một sáng kiến thì đó là điều kiện quan trọng để được tặng bằng sáng chế hàng năm. Doanh nghiệp cơ khí Nhân Độ có anh Lê Văn Thỏa, Giám đốc của doanh nghiệp này  liên tục có nhiều sáng chế rất chi là hữu ích được áp dụng tại đơn vị trên địa bàn huyện Qùy Hợp và các sản phẩm bán ra trên thị trường. Có thể nói anh Thỏa là con người của sáng chế, chúng tôi cũng rất mong muốn là những công nhân lao động của mình có nhiều sáng chế, nhiều ý tưởng để áp dụng trong quá trình sản xuất để tạo ra động lực cũng như giá trị làm lợi về kinh tế tạo ra sự phát triển trên địa bàn của huyện Quỳ Hợp cũng như của tỉnh Nghệ An”.
BAI VIET ONG THOA2

 Ông Lê Văn Thỏa nhận bằng khen lao động sáng tạo năm 2021 do LĐLĐ tỉnh tổ chức
 
Có thể nói những sáng chế của anh Lê Văn Thỏa đã được áp dụng vào thực tế rất hiệu quả, chúng tôi thực sự khâm phục tài năng và quyết tâm của một “thợ vườn”, một kỹ sư không bằng cấp như anh. Bởi anh đã làm được những điều mà với những người có đầy đủ bằng cấp chưa chắc đã làm được....
Thu Hường
THÔNG BÁO
Đăng nhập
Trang chủ | Hỏi đáp | Thư điện tử | Sơ đồ cổng | Liên hệ-Góp ý

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN QUỲ HỢP
Chịu trách nhiệm nội dung: Chủ tịch UBND huyện
Trụ sở: Thị trấn Quỳ Hợp - Huyện Quỳ Hợp - Tỉnh Nghệ An
Điện thoại: 0238.3 883 141 - Email: quyhop@nghean.gov.vn