image banner
Kết quả 8 năm thực hiện Đề án xây dựng huyện điểm văn hoá Miền núi và Dân tộc thiểu số Qùy Hợp
Năm 2001, Bộ Văn hoá TT đã chỉ đạo Sở Văn hoá TT phối hợp với UBND huyện Qùy Hợp lập Đề án xây dựng huyện điểm văn hoá trình UBND tỉnh quyết định. Sở Văn hoá TT, mà đứng đầu và là người có nhiều trăn trở, tâm huyết nhất- đồng chí Hồ Hữu Thới, Giám đốc Sở - lập tổ công tác chuyên trách cùng với huyện khảo sát tình hình, xây dựng Đề án.

Ngày 13/8/2001, UBND tỉnh đã ban hành quyết định số 2684/ 2001/QĐ-UB về việc phê duyệt đề án “Thí điểm xây dựng, phát triển đời sống văn hoá cơ sở huyện Qùy Hợp”. Ngày 03/4/2002, Bộ Văn hoá TT ban hành quyết định số 752/QĐ-BVHTT về “chỉ đạo xây dựng huyện điểm ở miền núi và DTTS”. Quyết định giao chỉ đạo huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) và Quỳ Hợp (Nghệ An) để xây dựng huyện điểm văn hoá MN & DTTS của vùng Đông Bắc và Bắc Trung bộ từ nay đến 2010.

Năm 2002, UBND tỉnh Nghệ An tiếp tục ban hành các quyết định phê duyệt đề án “Xây dựng và phát triển đời sống văn hoá…” ở các huyện Cửa Lò (11/10/2002), Nam Đàn….

Sau đó, Bộ tiếp tục chỉ đạo xây dựng các huyện điểm: Trà Cú (Trà Vinh) - Tây Nam bộ, Krông Pắc (Đắc Nông) - Tây nguyên, Nghĩa Lộ (Yên Bái) - Tây Bắc, Bắc Giang (Hà Giang) - Vùng núi phía Bắc…

Giai đoạn 1 (2001 - 2005): Sau khi có quyết định của Bộ và UBND tỉnh, Sở Văn hoá TT và UBND huyện đã ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện đề án (Kế hoạch số 235/KH-LT ngày 10/9/2001).

UBND tỉnh quyết định thành lập Ban chỉ đạo triển khai thực hiện đề án (Quyết định số 3717/QĐ-UB-VX ngày 16/10/2001) do đồng chí Trần Anh Tời - Chủ tịch huyện làm Trưởng ban, đồng chí Hồ Hữu Thới - Giám đốc Sở VHTT làm phó ban, đại diện các sở, ban ngành liên quan làm ban viên.

Sở Văn hoá TT thành lập tổ công tác giúp Qùy Hợp thực hiện đề án. Về phía huyện, Huyện uỷ, HĐND ban hành Nghị quyết tổ chức thực hiện đề án.

Ngày 30/10/2001, tại Sân vận động huyện, UBND huyện và Sở Văn hoá TT tổ chức Lễ phát động triển khai thực hiện Đề án “Thí điểm xây dựng và phát triển đời sống văn hoá cơ sở huyện Qùy Hợp thời kỳ 2001 – 2005”.

Tháng 3/2006: UBND huyện tổng kết 5 năm thực hiện Đề án.

Giai đoạn 2 (2006 - 2010):

Quyết định 1684 của UBND tỉnh Nghệ An ghi rõ: “Phê duyệt đề án thí điểm xây dựng, phát triển đời sống văn hoá cơ sở huyện Qùy Hợp thời kỳ 2001 - 2005 ”. Để tiếp tục thực hiện quyết định của Bộ, UBND huyện tiến hành tổng kết 5 năm thực hiện Đề án, đồng thời chuẩn bị lập Đề án giai đoạn 2 (2006 - 2010) trình UBND tỉnh phê duyệt.

Ngày 09/11/2006, UBND tỉnh Nghệ An ban hành quyết định số 4252/QĐ-UBND-VX về việc phê duyệt đề án “Xây dựng huyện điểm văn hoá miền núi và DTTS Qùy Hợp giai đoạn 2006 - 2010”.

Nét mới của quá trình chuẩn bị lần này là:

Huyện có kinh nghiệm sau 5 năm chỉ đạo thực hiện đề án.

UBND huyện chủ động xây dựng Đề án trình UBND tỉnh quyết định.

Sau khi huyện xây dựng dự thảo Đề án, UBND huyện đã xin ý kiến của Sở Văn hoá TT và các ngành cấp tỉnh trước khi trình UBND tỉnh quyết định.

Huyện Qùy Hợp đã xin làm việc, báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của Bộ Văn hoá TT, Ban TVTU và UBND tỉnh.

Sau khi có quyết định của UBND tỉnh, Huyện uỷ, HĐND, UBND huyện đã ban hành Nghị quyết, kế hoạch tổ chức thực hiện Đề án.

Về chỉ đạo, UBND huyện đã thành lập Ban chuyên trách xây dựng huyện văn hoá, do đồng chí Phó chủ tịch làm Trưởng ban, đồng chí Phó phòng Văn hoá TTTT làm phó ban chuyên trách.

Về nội dung, quyết định của UBND tỉnh ghi rõ “Đề án xây dựng huyện điểm miền núi & DTTS Qùy Hợp giai đoạn 2006 - 2010”.

KẾT QUẢ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN XÂY DỰNG HUYỆN VĂN HOÁ

Qúa trình chỉ đạo thực hiện đề án, huyện Quỳ Hợp có nhiều thuận lợi nhưng cũng có nhiều khó khăn. Phát huy thuận lợi, khắc phục khó khăn, sau 8 năm thực hiện Đề án đã đạt được những kết quả đáng phấn khởi. Đó là:

Nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về xây dựng huyện văn hoá được xác định và nâng lên. Từ đó, xây dựng được ý thức về xây dựng nếp sống văn hoá; bảo tồn, phát huy di sản, đời sống văn hoá các dân tộc; khơi dậy lòng yêu quê hương, đất nước; góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Người dân Qùy Hợp tự hào về huyện được Bộ và tỉnh chỉ đạo xây dựng huyện điểm văn hoá. Điều đó còn góp phần quảng bá hình ảnh của huyện trong cả nước.

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” tiếp tục được triển khai thực hiện có hiệu quả, số lượng, chất lượng danh hiệu văn hoá được nâng lên. Đến nay, toàn huyện có 74% (19.138/25.862) GĐVH, 64,2% (178/277) làng, bản văn hoá, 54,2% (26/48) cơ quan đơn vị văn hoá, 70% (49/70) trường học văn hoá, 28,5( 6/21) trạm y tế văn hoá, 1 xã đạt chuẩn văn hoá. Toàn huyện có 38 câu lạc bộ - TDTT, 15,6% (3.786) GĐTT…

Trong xây dựng nếp sống văn hoá, đã tập trung xây dựng 26 mô hình điểm (6 CLB văn hoá dân gian, 8 xóm bản VH tiên tiến, 9 đội văn hoá thông tin…). Đã ban hành qui định và chỉ đạo thực hiện việc cưới, việc tang theo nếp sống mới.

Công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống của các dân tộc được tập trung chỉ đạo và đạt được nhiều kết quả.

Trước hết, thông qua các hoạt động văn hoá, đã giáo dục ý thức của người dân tộc thiếu số về việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá của dân tộc mình, như nói tiếng dân tộc, mặc quần áo dân tộc, học chữ thái…

Đồng thời, tổ chức tốt các hoạt động văn hoá để bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá của dân tộc thiểu số. Năm 2007, CLB học chữ thái được thành lập, đến nay đã mở được 4 lớp, đào tạo được 168 người học. Huyện đã chỉ đạo hàng năm tổ chức lễ hội 19/4, ngày Đại đoàn kết 18/11, lễ hội Mường Ham…Thông qua hoạt động lễ hội đã tổ chức các hoạt động bảo tồn bản sắc văn hoá các dân tộc, như: thi chữ thái, thi món ăn dân tộc, thi văn hoá rượu cần, thi các môn thể thao dân tộc...Huyện khuyến khích các xã, các bản xây dựng nhà văn hoá, nhà truyền thống theo kiến trúc nhà sàn. Hiện nay, ở nhiều vùng, nhân dân đã có ý thức bảo tồn, xây dựng mới nhà sàn truyền thống kết hợp với kiểu dáng hiện đại.

Kết quả, đến nay nhiều truyền thống, phong tục tập quán tốt đẹp của các dân tộc được bảo tồn và phát huy. Người dân tộc thiểu số đã ý thức được, khơi dậy lòng tự hào và giữ gìn những truyền thống tốt đẹp đó.

Huy động được sức dân, tranh thủ các chương trình dự án để xây dựng các công trình văn hoá TTTT:

Trong điều kiện xuất phát điểm của các cơ sở hạ tầng văn hoá TTTT của huyện còn nhiều khó khăn. Mặt khác, cơ chế chính sách, chủ trương đầu tư trong lĩnh vực này của nhà nước còn nhiều bất cập.

Phải nói rằng, huyện Qùy Hợp đã có nhiều nỗ lực cố gắng trong việc huy động sức dân và tranh thủ các nguồn lực để tập trung xây dựng thiết chế văn hoá TT đồng bộ, là cơ sở, là điều kiện quan trong để tổ chức các hoạt động văn hoá TTTT.

Ở cấp huyện, đã đầu tư cải tạo, nâng cấp Trung tâm văn hoá TTTT, Đài truyền hình và truyền thanh, xây dựng công trình Hồ Thung Mây, Nhà thi đấu cầu lông. Hiện nay, đang chỉ đạo thi công Trung tâm thể thao đa chức năng, với các công trình: Sân bóng đá, ten nít, bể bơi, nhà thi đấu đa năng... Việc đầu tư xây dựng, nâng cấp các công trình văn hoá TT của huyện đã đáp ứng được nhu cầu tổ chức các hoạt động văn hoá TT của huyện và các huyện bạn, nâng cao nhu cầu hưởng thụ văn hoá cho nhân dân và làm cho bộ mặt thị trấn huyện ngày càng khang trang, to đẹp hơn, xứng đáng với Trung tâm của huyện văn hoá.

Ở các xã, thị trấn: Đến nay, toàn huyện có 6/21 xã cơ bản có thiết chế VHTTTT đạt chuẩn quốc gia (Đồng Hợp, Nghĩa Xuân, Minh Hợp, Châu Lý, Yên Hợp, Châu Thái). 21 xã có hội trường, trong đó có 5 nhà văn hoá đạt chuẩn, có 3 nhà sàn; 14 xã có sân bóng đá; 20 xã có trạm truyền thanh FM; 7 xã có thư viện; 21 xã có bưu điện văn hoá…

Ở xóm, bản: Toàn huyện đã xây dựng được 219/277 (79%) nhà văn hoá kiêm hội quán, 43 cổng làng, 588 sân chơi thể thao, trong đó có 126 sân bóng đá, 347 sân bóng chuyền, 115 sân cầu lông…

Tổng số vốn huy động để xây dựng là: 44.239 triệu đồng. Trong đó: Ngân sách nhà nước đầu tư: 34.500 triệu đồng (Ngân sách tỉnh, Trung ương: 19.274 triệu đồng = 43,56%; Ngân sách huyện: 12.926 triệu đồng = 29,2%; Ngân sách xã: 2.200 triệu đồng = 4,9%). Các chương trình dự án đầu tư: 6.500 triệu đồng = 14,6%. Nhân dân đóng góp: 3.343 triệu đồng = 7,55%.

Chăm lo xây dựng tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ:

Phòng Văn hoá TTTT huyện có 5 cán bộ đều tốt nghiệp đại học. Trung tâm Văn hoá TTTT huyện có 15 cán bộ, trong đó có 10 cán bộ tốt nghiệp đại học, 5 cán bộ tốt nghiệp trung cấp.

Mỗi xã, thị trấn có 1 - 2 cán bộ chuyên trách văn hoá, có trình độ chuyên trách ngành trở lên. Hàng năm, đội ngũ cán bộ được bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ chuyên môn.

Thực hiện tốt công tác đưa các chương trình, hoạt động văn hoá chuyên nghiệp phục vụ nhân dân:

Nhằm nâng cao chất lượng thu, phát sóng của Đài truyền thanh - truyền hình, trong những năm qua nhà nước đã đầu tư xây dựng Đài thu phát sóng FM khu vực Tây Bắc Nghệ An. Huyện đã đầu tư bộ thu phát hình trực tiếp và nâng cấp trang thiết bị cho Đài truyền thanh - truyền hình. Trạm bưu chính viễn thông, bưu điện huyện được đầu tư nâng cấp, đảm bảo lắp đặt và phủ sóng điện thoại trong toàn huyện. Đến nay, toàn huyện có 7 điện thoại (bàn)/100 người dân. Bưu điện văn hoá được xây dựng ở 21/21 xã, thị trấn, có 7 thư viện xã với 32.000 cuốn sách, đảm bảo sách báo phục vụ nhu cầu người đọc.

Hàng năm, các đoàn văn công chuyên nghiệp, đội chiếu bóng lưu động đã tổ chức các hoạt động biểu diễn, chiếu bóng, phục vụ đồng bào trong huyện.

Tuy nhiên, việc chỉ đạo thực hiện Đề án còn một số tồn tại, khuyết điểm sau đây:

Một số cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức chưa đầy đủ chủ trương xây dựng huyện văn hoá. Một số cấp uỷ, chính quyền cơ sở chỉ chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế, xem nhẹ công tác văn hoá, thể thao. Đặc biệt là ở giai đoạn 2 (2006 - 2010), công tác lãnh đạo, chỉ đạo ở một số cơ sở có dấu hiệu chững lại.

Chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” nhìn chung chưa cao. Việc nâng cao chất lượng của các danh hiệu văn hoá chuyển biến còn chậm, phát huy danh hiệu văn hoá trong cộng đồng chưa rõ (làng văn hoá, gia đình văn hoá). Chất lượng các hoạt động văn hoá, thể thao mũi nhọn chưa được đầu tư đúng mức và chưa ngang tầm.

Thiết chế văn hoá TTTT cấp xã còn thiếu và chưa đạt chuẩn, tỷ lệ xã có thiết chế văn hoá TTTT đạt chuẩn quốc gia còn thấp. Ở các xã còn lại, nhất là ở các xã vùng sâu, vùng xa, việc xây dựng thiết chế văn hoá TTTT gặp rất nhiều khó khăn.

Một số hoạt động bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá các dân tộc Thái, Thổ còn mang tính phong trào, thời vụ, chưa đi vào chiều sâu. Đặc biệt là bản sắc văn hoá dân tộc Thổ đã mai một nhiều, rất khó khăn trong việc khôi phục và phát huy.

Các mô hình, điển hình thuộc lĩnh vực văn hoá TTTT còn ít, chất lượng chưa cao, nhân diện chậm. Chưa xây dựng, định hình được nét đặc trưng văn hoá của huyện văn hoá.

MỘT SỐ VẤN ĐỀ ĐẶT RA VỀ XÂY DỰNG HUYỆN VĂN HOÁ

Việc chỉ đạo xây dựng huyện văn hoá Qùy Hợp đã thực hiện được 8 năm, đạt được nhiều kết quả, tuy nhiên cũng còn nhiều việc phải làm.

Qua lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Đề án, chúng tôi thấy một số vấn đề cần làm rõ thêm. Đó là:

Về khái niệm “Huyện văn hoá" là gì?

Về tên gọi, các Quyết định của Bộ, Tỉnh cũng khác nhau. Lúc đầu, Quyết định 2684 của UBND tỉnh ghi: "Thí điểm xây dựng, phát triển đời sống văn hoá cơ sở huyện Qùy Hợp". Quyết định 752 của Bộ Văn hoá TT ghi: "Xây dựng huyện điểm ở miền núi và dân tộc thiểu số". Bước sang giai đoạn 2, qua quá trình thực hiện, huyện đề nghị và được ghi trong quyết định số 4252 của UBND tỉnh "Xây dựng huyện điểm Văn hoá & Dân tộc thiểu số Qùy Hợp, giai đoạn 2006 -2010".

Trong thực tiễn, chúng ta hay gọi tắt là xây dựng "Huyện văn hoá".

Vậy, khái niệm "Huyện văn hoá" là gì? Theo Luật thi đua khen thưởng,"Huyện văn hoá", "Xã văn hoá" không phải danh hiệu thi đua. Nếu vậy, "Huyện văn hoá" là danh hiệu văn hoá? Sau khi thực hiện được các quyết định của Bộ Văn hoá TT và UBND tỉnh, ai là người ra quyết định công nhận danh hiệu này?.

Trước tất cả các vấn đề trên, huyện đang hết sức lúng túng.

Vấn đề Luật hoá việc chỉ đạo xây dựng "Huyện văn hoá"

Chúng ta - Nhà nước chỉ đạo xây dựng một mô hình, một danh hiệu, yêu cầu đặt ra là phải được cụ thể hoá bằng Luật, các văn bản dưới Luật. Nhưng hiện nay, việc chỉ đạo xây dựng "Huyện văn hoá" chưa được cụ thể hoá bằng luật.

Về phía Bộ Văn hoá TT, hiện nay huyện mới nhận được quyết định 752, một số kết luận của lãnh đạo Bộ làm việc với huyện. Trong quyết định 752 ghi rõ: "Giao cho Vụ Văn hoá Dân tộc - MN chủ trì... chỉ đạo huyện Qùy Hợp... để xây dựng huyện điểm văn hoá Miền núi và Dân tộc thiểu số vùng Bắc Trung Bộ từ nay đến 2010"..., “chủ trì cùng với các đơn vị chức năng thuộc Bộ và Sở Văn hoá TT tỉnh lập kế hoạch triển khai trình lãnh đạo Bộ phê duyệt, trực tiếp hướng dẫn chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc từng bước thực hiện, tiến hành sơ, tổng kết đánh giá kết quả thực hiện, rút kinh nghiệm để nhân rộng ra các địa phương khác".

Nhưng cho đến nay, huyện chưa nhận được các kế hoạch, hướng dẫn của các cơ quan của Bộ. Về phía các ngành cấp tỉnh phải ghi nhận rằng ở giai đoạn đầu, Sở Văn hoá TT đã vào cuộc thật sự, từ việc cùng huyện nghiên cứu, soạn thảo đề án, cho đến tổ chức thực hiện. Còn các ngành khác, mặc dù đã được tỉnh giao, nhưng chưa ai vào cuộc cả.

Do chưa được “Luật hoá” nên trong quá trình chỉ đạo, nhiều khái niệm, tiêu chí, danh hiệu có thay đổi. Ví dụ, có "xã văn hoá" không? Lúc đầu, tỉnh chỉ đạo xây dựng và hàng năm xét công nhận xã văn hoá (Quyết định số 01/1999/QĐ-UB ngày 15/01/1999 của UBND tỉnh về việc qui định các tiêu chuẩn xây dựng gia đình; làng; bản; khối xóm và xã, phường, thị trấn văn hoá...). Ngày 25/11/2003, Thường trực Ban chỉ đạo phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá tỉnh Nghệ An mới ban hành tiêu chuẩn tạm thời công nhận danh hiệu xã đạt chuẩn văn hoá. Sau đó, tỉnh chỉ đạo không xây dựng xã đạt chuẩn văn hoá (nhưng không có văn bản chỉ đạo)?!. Về chỉ đạo xây dựng các cơ quan, đơn vị văn hoá cũng như thế.

Về kinh phí đầu tư xây dựng thiết chế văn hoá TT.

Là vấn đề rất khó khăn, nhất là đối với các huyện MN& DTTS.

Hiện nay, về chủ trương và thực tiễn, Nhà nước ta chưa giành ngân sách đầu tư xây dựng các công trình văn hoá TT. Với chủ trương phát triển kinh tế, Nhà nước khuyến khích đầu tư các công trình kinh tế, cơ sở hạ tầng khác.

Là huyện miền núi, có nhiều chương trình dự án đầu tư của Nhà nước, nhưng không có danh mục các công trình văn hoá TT. Về phía tỉnh, mặc dù đã có cơ chế, nhưng do điều kiện ngân sách khó khăn, từ năm 2006, hàng năm tỉnh đầu tư cho huyện một công trình (khoảng 200 triệu đồng). Ngân sách huyện càng khó khăn hơn.

Ở các xã, thị trấn, ngân sách chỉ đủ chi thường xuyên, nhưng cũng hết sức khó khăn. Các xã, thị trấn không có kinh phí đầu tư cho văn hoá, và rất ngại tổ chức các hoạt động văn hoá.

* *

*

Qua 8 năm thực hiện Đề án xây dựng huyện văn hoá, huyện Qùy Hợp đã nỗ lực phấn đầu, đạt được nhiều kết quả đáng phấn khởi. Tuy nhiên, huyện cũng còn nhiều việc phải làm, nhiều điều băn khăn trăn trở.

Chúng tôi cho rằng, để thực hiện thành công đề án, ngoài sự nỗ lực phấn đấu của Đảng bộ, nhân dân các dân tộc huyện nhà, một vấn đề hết sức quan trọng và cần thiết đó là sự vào cuộc thực sự của Bộ Văn hoá TT, UBND tỉnh, và các cấp các ngành liên quan.

Cao Sơn
THÔNG BÁO
Đăng nhập
Trang chủ | Hỏi đáp | Thư điện tử | Sơ đồ cổng | Liên hệ-Góp ý

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN QUỲ HỢP
Chịu trách nhiệm nội dung: Chủ tịch UBND huyện
Trụ sở: Thị trấn Quỳ Hợp - Huyện Quỳ Hợp - Tỉnh Nghệ An
Điện thoại: 0238.3 883 141 - Email: quyhop@nghean.gov.vn