Quỳ Hợp: Nhiều giải pháp hỗ trợ nông dân tăng thu nhập, nâng cao đời sống.
Trong những năm gần đây, cùng với các cơ chế chính sách của Đảng và nhà nước, Hội nông dân huyện Quỳ Hợp đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh các phong trào thi đua do Hội Nông dân các cấp phát động một cách hiệu quả thiết thực tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội, góp phần tăng thu nhập nâng cao đời sống cho cán bộ hội viên trong toàn huyện.
Hiệu quả thiết thực từ
những hoạt động hỗ trợ hội viên nông dân.
Thực hiện Nghị quyết số 19 của Trung
ương Hội nông dân Việt Nam về tăng cường và đổi mới công tác tuyên truyền, vận
động nông dân trong tình hình mới, các cấp Hội nông dân ở Quỳ Hợp đã triển khai
hiệu quả nhiều phong trào, hoạt động nông dân.
Hiệu quả nổi bật nhất là phong trào thi đua sản
xuất kinh doanh giỏi đoàn kết giúp nhau xoá đói giảm nghèo tiếp tục phát triển
cả về bề rộng và chiều sâu, mang lại hiệu quả thiết thực.
Gia đình anh Hoàng
Văn Đại ở khối 1, Thị trấn Quỳ Hợp với sự hỗ trợ của nhà nước
thông qua Phòng NN&PTNT huyện Quỳ Hợp anh được hỗ trợ 150 triệu đồng, cùng
với huy động nguồn vốn từ gia đình, bạn bè với tổng số tiền hơn 1 tỷ đồng anh
đã đầu tư nhà lưới với diện tích hơn 3000m2.
Anh Hoàng Văn Đại bên vườn nho tại khối 1, Thị trấn Quỳ Hợp
Năm đầu tiên anh Đại đầu tư trồng dưa
lưới và hoa ly, đây cũng là những loại cây trồng khó tính mang tính mùa vụ.
Cuối năm đó sau khi trừ cho phí cũng cho anh Thu nhập trên 100 triệu đồng. Với
khởi đầu như vậy năm 2022 anh Đại đã mạnh dạn tìm cây trồng có chiến lược dài
hơi hơn và có giá trị kinh tế cao hơn để trồng. Sau khi khảo sát thị trường anh
Đại đã mạnh dạn mua 400 gốc nho Hạ Đen, 80 gốc nho Mẫu Đơn về trồng.
Nay đã qua nhiều vụ thu hoạch đem lại cho
anh Đại nguồn thu khá ổn định. Anh Đại chia sẻ:“Bản thân tôi là một kỹ sư nông nghiệp, khi về công tác về địa bàn
huyện miền núi Quỳ Hợp, tôi nhận thấy cơ cấu cây trồng đang còn cục bộ, tôi
cũng muốn định hướng cây trồng cho nó nhiều hơn và phát triển hơn. Được sự của
Phòng nông nghiệp huyện Quỳ Hợp, sự hỗ trợ của Ngân hàng chính sách xã hội một
số vốn tôi đầu tư hơn 3.000m2 nhà lưới trồng hoa ly, dưa lưới, nho. Qua một số
vụ tôi trồng dưa lưới, hoa ly tôi thấy đây cũng là cây trồng phù hợp và mô hình
có khả năng phát triển thêm. Trong quá trình
xây dựng mô hình, tôi có ý tưởng bảo tồn nguồn giống để trong thời gian
tới nhân rộng cung cấp giống cho bà con nông dân với giá thấp nhất có thể để
mang lại hiệu quả cho người dân, nhất là các loại giống cây ăn quả. Quá trình
làm nho là dòng cây khó tính, ưa ẩm nhưng sợ bị úng, ban đầu trồng thì chăm cho
nó phát triển gặp một số khó khăn do thời tiết, nhưng khi xây dựng mô hình có
tính đến tác động do môi trường thì tạo các phương án xử lý và độ ẩm ở huyện
mình thì nó phát triển rất khỏe và kết quả thu hoạch khả quan”.
Những năm gần đây, huyện miền núi Quỳ Hợp đang đẩy mạnh
chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi kém hiệu quả để phát triển mô hình nông
nghiệp có giá trị cao, mở ra hướng làm giàu cho người dân. Đặc biệt là hội viên
của các tổ chức chính trị xã hội trên nói chung và hội nông dân nói riêng.
Nguồn vốn vay tăng trưởng dần hàng năm, đến nay tổng dư nợ từ nguồn vốn vay
NHCSXH huyện Quỳ Hợp đạt hơn 750 tỷ đồng cho hơn 12.000 khách hàng vay vốn,
phát triển kinh tế.
Trao đổi với chúng tôi bà Đặng Thị Hà, Phó giám đốc Ngân hàng chính sách
xã hội Quỳ Hợp cho biết:“Quỳ Hợp là một
huyện miền núi, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo đang còn tương đối cao và hiện tại dư
nợ của ngân hàng CSXH huyện ở tốp 5
toàn tỉnh Nghệ An, chất lượng tín dụng ngày càng được nâng lên. Việc thực hiện
thực hiện giảm nghèo bền vững nâng cao mức sống của nhân dân và đảm bảo an sinh
xã hội và những giải pháp quan trọng. Vì vậy chúng tôi tham mưu cho Trưởng ban
đại diện HĐQT tập trung tuyên truyền thực hiện tốt các nguồn lực trên địa bàn.
Ngoài nguồn vốn của TW, của UBND tỉnh cấp về thì chúng tôi huy động trên địa
bàn, đặc biệt nguồn huy động của huyện, của xã ủy thác cho bà con vay. Đến nay
nguồn vốn Ngân sách huyện đã ủy thác cho vay qua NHCSXH Quỳ Hợp đạt 5,2 tỷ đồng”.
Ngân hàng CSXH huyện Quỳ Hợp
tham quan mô hình vay vốn giải quyết việc làm trồng nho
hiệu quả của gia đình anh Hoàng Văn Đại
125 mô hình trang trại hiệu quả.
Hội Nông dân các cấp ở Quỳ Hợp hiện
có 25.163 hội viên sinh hoạt ở 21 xã thị trấn, với nhiều giải pháp hiệu quả đã
tập trung vận động, hướng dẫn hội viên, nông dân khai thác tốt tiềm năng đất đai, lao động và những lợi thế
của địa phương, thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng mùa vụ theo hướng tăng giá trị thu nhập
trên đơn vị diện tích, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, giống cây, con có
năng suất cao, chất lượng tốt được đưa vào áp dụng trong sản xuất chăn nuôi. Tập
trung chỉ đạo xây dựng được nhiều cánh đồng mẫu lớn theo hướng sản xuất hàng
hóa tập trung bằng các giống lúa, lạc, rau màu chất lượng cao tại các xã: Châu
Cường, Châu Quang, Châu Lý, Tam Hợp, đã xây dựng được nhiều mô hình sản xuất có
giá trị kinh tế cao, nhiều mô hình có giá trị thu nhập bình quân hàng năm trên
300 triệu đồng/ha trở lên như: Trồng dưa lưới, trồng bưởi da xanh, trông hoa
thiên lý, Ngô đông... Các mô hình chăn nuôi theo hình thức trang trại, gia trại
được mở rộng và làm ăn có hiệu quả, đến nay toàn huyện hiện có 125 trang trại,
gia trại có thu nhập cao từ vài trăm đến cả tỷ đồng.

Mỗi ha ngô vụ đông 3 tháng đem về nguồn thu hơn 40 triệu
đồng cho người nông dân xã Châu Cường, Quỳ Hợp
Ông Vi Văn Quý, Chủ tịch Hội nông
dân huyện Quỳ Hợp, đại biểu HĐND tỉnh Nghệ An cho biết: “Các
hộ nông dân có ý chí tự lực, tự cường dám nghĩ, dám làm vượt qua đói nghèo để
làm giàu. Có kiến thức khoa học và trình độ quản lý sản xuất kinh doanh, tiếp cận
với cơ chế mới. Sản xuất gắn với thị trường vùng quy hoạch của địa phương. Sản
xuất kinh doanh tổng hợp đa ngành, có quy mô, lâm nghiệp gắn với nông nghiệp,
trồng trọt gắn với chăn nuôi, nông nghiệp gắn với tiểu thủ công nghiệp dịch vụ
chế biến nhằm tận dụng tối đa về đất đai, lao động. Cùng với đó trong nhà nước
có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích người nông dân làm giàu trên chính mảnh
đất quê hương. Huyện Quỳ Hợp đã xây dựng được 03 chi hội nông dân nghề
nghiệp; 49 tổ hội nông dân nghề nghiệp hoạt động có hiệu quả. Trong năm 2024, Hội
Nông dân huyện đã
xây dựng chỉ đạo thành lập được 07 tổ hội Nghề nghiệp và xóa
nghèo 21 hộ hội viên nông dân’.
Hội
viên nông dân Quỳ Hợp đa dạng hóa trong chăn nuôi, trồng rừng, làm đá mỹ nghệ
góp phần tăng thu nhập nâng cao đời sống.
Với nhiều giải pháp đẩy mạnh các phong trào thi đua trong
các cấp hội nông dân ở Quỳ Hợp đến nay đã
có 7245 hộ kinh doanh giỏi
các cấp, trong đó cấp Trung ương: 10 hộ, cấp tỉnh: 86 hộ, cấp huyện: 185 hộ. Nhiều
hộ có
quy mô sản xuất lớn, có vốn kinh doanh hàng trăm triệu đồng, thu hút hàng chục
lao động, thu nhập hàng năm từ 100 triệu đồng đến 1 tỷ đồng, tăng thêm thu
nhập, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, nâng cao mức sống, góp phần
ổn định xã hội, tạo lòng tin vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và tổ chức Hội.
Các đồng chí lãnh đạo huyện thăm mô hình hộ anh Lá Văn Duy (Thứ 3 từ trái sang) Giám đốc HTX Nông dược Tĩnh Sáng Đường tại xã Yên Hợp.
Điển hình như hộ gia đình anh Lá Văn Duy, Giám đốc HTX Nông dược Tĩnh Sáng Đường tại xã
Yên Hợp; ông Bùi Quốc Tiến mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng tại xã Minh
Hợp; ông Lê Viết Hùng mô hình trồng Cam tại xã Minh Hợp, ông Nguyễn Phi Đình
chăn nuôi lợn thịt, nuôi dê xóm Hợp Thành xã Yên Hợp, Hợp tác xã Tấn Thanh xóm
Dinh Phượng xã Nghĩa Xuân; hộ ông Nguyễn Trọng Hùng tại xã Thọ Hợp với mô hình
kinh tế tổng hợp chăn nuôi dê, bò; hộ ông Trương Xuân Định tại xã Châu Đình với
mô hình trang trại tổng hợp, Ông Nguyễn Văn Luật với mô hình Trang trại gà Luật Hồng xã Châu
Đình, Ông Nguyễn Sơn Tin, công ty cổ phần HasaFood xã Minh Hợp. Từ đó giúp nâng cao đời sống, cải thiện
thu nhập cho người nông dân. Riêng năm 2024 Hội nông dân huyện Quỳ Hợp đã xóa
nghèo cho 21 hộ hội viên nông dân.
Bộ mặt nông thôn miền núi huyện Quỳ Hợp ngày
càng khởi sắc.
Hội nông dân huyện Quỳ Hợp tiếp tục bám sát sự
lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Hội nông dân Việt Nam, huyện ủy, UBND huyện đẩy
mạnh công tác thông tin, tuyên truyền quán triệt thực hiện Nghị quyết Đại hội hội nông dân các cấp; quán triệt, tham mưu với cấp ủy, chính quyền xây dựng và ban hành
các chương trình, kế hoạch, đề án thực hiện Nghị quyết số 46-NQ/TW của Bộ Chính
trị về “Đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam đáp ứng
yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới”, Quyết định số 182/QĐ-TTg ngày
20/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Hội Nông dân Việt
Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp đến năm 2030”- ông Vi
Văn Quý cho biết thêm.