Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết thực hiện Nghị quyết 18.
Sáng 1/12, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2024; Giải pháp tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội năm 2025; Tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt về thể chế.
Tại
Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội, các đồng chí: Tô Lâm - Tổng Bí thư; Lương
Cường - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước; Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính
trị, Thủ tướng Chính phủ; Trần Thanh Mẫn - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc
hội; Trần Cẩm Tú - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương dự và chỉ đạo hội nghị.
Quang cảnh tại điểm cầu Quỳ Hợp
Tham
dự hội nghị có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên
Ban Chấp hành Trung ương Đảng, lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung
ương...
Tại
điểm cầu huyện Quỳ Hợp, đồng chí Nguyễn Đình Tùng – Phó Bí thư, Chủ tịch UBND
huyện chủ trì. Tham dự hội nghị còn có các đồng chí trong Ban Thường vụ huyện ủy,
Ban Chấp hành Đảng bộ huyện; Trưởng, phó các phòng, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc,
các tổ chức chính trị - xã hội.
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, từ điểm
cầu TW đến hơn 14.500 điểm cầu từ cấp tỉnh xuống cấp
xã, với sự tham gia của hơn 1,3 triệu đảng viên là cán bộ lãnh đạo, chủ chốt
trên toàn quốc.
Về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành
Trung ương Đảng khoá XII "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức
bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả", Trưởng
Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng, nhấn mạnh: Đây là nhiệm vụ đặc
biệt quan trọng, là cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống
chính trị, cần thống nhất rất cao về nhận thức và hành động trong toàn Đảng và
cả hệ thống chính trị; Thực hiện nghiêm nguyên tắc một cơ quan thực hiện nhiều
việc, một việc chỉ giao một cơ quan chủ trì và chịu trách nhiệm chính, khắc phục
triệt để tình trạng chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, chia cắt về địa bàn,
lĩnh vực. Bộ máy mới phải tốt hơn bộ máy cũ và đi vào hoạt động ngay, không để
ngắt quãng công việc, không để khoảng trống về thời gian, không để bỏ trống địa
bàn, lĩnh vực; không để ảnh hưởng đến các hoạt động bình thường của xã hội, của
người dân…
Về chuyên đề “Tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt về thể chế”, Chủ
tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết: Quốc hội sẽ triển khai nhanh
chóng, kịp thời các luật, Nghị quyết vừa được thông qua, khẩn trương quán triệt
tinh thần đổi mới tư duy trong xây dựng pháp luật gắn với tổ chức thi hành pháp
luật có hiệu quả.
Về tình hình kinh tế - xã hội năm 2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm
Minh Chính cho biết tình hình kinh tế - xã hội 11 tháng đạt nhiều kết quả quan
trọng, tốt hơn cùng kỳ trên hầu hết các lĩnh vực. Dự kiến 15/15 chỉ tiêu chủ yếu
đạt và vượt kế hoạch, nhất là mục tiêu tăng trưởng: Tăng trưởng cả năm ước
đạt trên 7%; kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát dưới 4%.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: Đây
là thời điểm, thời cơ, thời kỳ mới của đất nước bước vào kỷ
nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh. Để đạt mục tiêu phát
triển kinh tế - xã hội mà Nghị quyết Đại hội XIII đã đề ra, chúng ta
phải đổi mới tư duy, phải "cởi trói", phải quyết đoán, phải bứt phá,
phải vượt lên chính mình. Tiếp tục tạo đột phá hơn nữa về thể chế phát
triển, tháo gỡ hết các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn để khơi thông mọi nguồn
lực và cải cách hành chính mạnh mẽ, kiến tạo môi trường thuận lợi để phát triển.
Về Đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội XIV, Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ
rõ: Đại hội Đảng các cấp từ các chi bộ cơ sở, đến cấp xã, cấp huyện,
cấp tỉnh và các cơ quan Trung ương phải là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng
trong toàn Đảng, thảo luận về tầm nhìn và mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước
vươn mình giàu mạnh trong kỷ nguyên mới. Các Văn kiện để trình Đại hội XIV với
tinh thần phải bám sát hơi thở cuộc sống, phải ngắn gọn, dễ nhớ, dễ thực
hiện.
Về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, đây là vấn đề rất
cấp bách, bắt buộc phải làm, càng làm sớm càng có lợi cho dân, cho nước. Tổng
bí thư Tô Lâm khẳng định: Việc tinh gọn tổ chức bộ máy đi đôi với
tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực ngang tầm
nhiệm vụ. Tinh giản không có nghĩa là cắt giảm một cách cơ học, mà là loại bỏ
những vị trí không cần thiết, giảm những công việc không hiệu quả, từ đó tập
trung nguồn lực cho những lĩnh vực then chốt, những con người thực sự xứng đáng
và phù hợp. Không để cơ quan nhà nước là "vùng trú ẩn an toàn" cho
cán bộ yếu kém./.