Mường Ham: Xưa... và Nay...
Chuyện xưa kể lại rằng: Vào khoảng năm 1874, ở vùng đất Châu Kim thuộc phủ Quỳ Châu (nay là xã Châu Kim, huyện Quế Phong) đã xẩy ra loạn “giặc Xá”.
Căn nguyên của loạn “giặc Xá” được lý giải như sau: Khi người Xá từ Xiềng Đông, Xiềng Tông bên nước Lào di cư sang phía Đông (tức là vùng Tây Bắc Nghệ An ngày nay) thì họ ở xen kẽ với người Thái nơi bản địa. Họ phải sống phụ thuộc vào người Thái, nhất là các tầng lớp quý tộc ở các mường nhỏ. Người Xá đã bị các quý tộc người Thái đè nén, bóc lột nặng nề. Bên cạnh đó, người Xá còn bị tàn quân cờ đen, cờ vàng từ Trung Quốc chạy sang lợi dụng vơ vét để kiếm ăn.
Sự đè nén, áp bức và bóc lột đã nhen lên ngọn lửa căm hờn trong lòng người Xá. Lợi dụng hoàn cảnh đó, các dòng họ và các quý tộc người Thái đã xúi bẩy người Xá, biến người Xá thành công cụ chống đối, tranh giành quyền lực lẫn nhau. Nói là loạn “giặc Xá”, nhưng thực chất đây là sự tranh giành quyền lợi giữa các quý tộc người Thái họ Lo Căm và các quý tộc người Thái họ La được triều đình Huế bảo hộ. Người Xá chỉ là vật hy sinh. Trong quá trình phát triển, các cuộc xung đột đã cuốn hút cả tầng lớp “Công - Nhốc” (tức là những người làm thuê nghèo khổ) của người Thái tham gia. Vì thế, về sau nó đã lan rộng cả vùng Quỳ Châu cũ và cả vùng Tây Bắc Nghệ An lúc bấy giờ.
Trong cảnh loạn lạc ấy, vì sợ “giặc Xá” tàn sát, có một quý tộc người Thái họ Lo Căm ở Châu Kim đã sai gia nhân mang đứa con trai duy nhất của mình chạy trốn xuống một vùng núi rừng mà ngày nay thuộc xã Châu Cường, huyện Quỳ Hợp. Quý tộc người Thái là một Tạo Mường nên những người đi cùng gọi con ông là Tạo Nọi (tiếng Thái, Nọi nghĩa là nhỏ). Tạo Nọi được giấu trong hang đá ở thung lũng Túng Nhau. (Túng là thung lũng, Nhau là tên một loại cây có quả mà hạt của nó ăn được, bùi như lạc). Sau này, trong một lần vào thung lũng Túng Nhau, ông Lo Văn Chắn (sinh năm 1918, mất năm 1979) là người ở Mường Ham thấy một chiếc trống đồng ở trong hang núi ông đã mang nó về nhà.
Chúng tôi đã gặp ông Lo Văn Long là con trai của ông Lo Văn Chắn, người đang giữ một chiếc quai của trống đồng. Ông đưa cho chúng tôi xem và nói: “Trống đồng bố tôi đã phát hiện được ở Túng Nhau vào năm 1960. Túng Nhau là nơi ở trước đây của Tạo Nọi. Đến năm 1970, ông Lang Viết Quý, lúc đó là phó ty văn hoá tỉnh đã mang trống đồng về lưu giữ và bảo quản tại bảo tàng Nghệ An”.
Trong thời gian giấu Tạo Nọi ở Túng Nhau những người đi cùng đã phát rẫy, làm nương, khai phá đất đai, đưa nước từ hai con suối là Huổi Thẳm Tượi và Huổi Tặc Tẻ vào những nơi bằng phẳng để biến thành ruộng cấy lúa và trồng trọt, chăn nuôi để sinh sống chờ thời...Cánh đồng Mường Nọi rộng hơn 2 ha hôm nay chính là vùng gieo cấy lúa nước của những người đi cùng Tạo Nọi ngày xưa.
Sau năm 1883, loạn “giặc Xá” không còn nữa, nhưng Tạo Mường (bố của Tạo Nọi) cũng đã chết. Đồng bào Thái ở đây đã cùng nhau đưa cáng vào rước Tạo Nọi từ Túng Nhau ra nơi mình đang ở tạm. Khi đến một vùng đất bằng phẳng, rộng lớn và thoáng đãng có thể nhìn đến tận chân trời thì Tạo Nọi cho dừng lại rồi ông bảo mọi người cắm đất, dựng nhà và lập bản để người Thái gần xa cùng nhau đến ở. Nơi Tạo Nọi xuống cáng được gọi là Mường Hám, tiếng Thái nghĩa là Mường Khiêng hoặc Mường Rước. Sau này, khi giao tiếp với các dân tộc khác, cái tên Mường Hám đã bị gọi chệch đi thành Mường Ham cho đến bây giờ. Ban đầu ở Mường Ham chỉ có một vài bản, sau đó thấy thuận lợi, lại có Tạo Nọi cai quản và có “Hịt khoòng mường bản” (tức là luật bản, luật mường) thì người Thái từ khắp nơi đã kéo đến dựng thành nhiều bản rồi phát triển thành nhiều mường với nhiều vùng đất rộng lớn. Tạo Nọi lúc này không chỉ là người lập bản, dựng mường mà còn là người đứng đầu về mặt hành chính, đồng thời là một thủ lĩnh chỉ huy người Thái chống lại các thế lực xâm nhập từ bên ngoài vào phá hoại, mà chủ yếu là đề phòng những nhóm tàn quân của “giặc Xá”.
Mường Ham được gọi là mường lớn, người Thái hồi ấy gọi là Mường Sấm Hám. Vì Mường Ham là mường được thành lập sớm nhất ở vùng này là lúc bấy giờ, cho nên sau này nhà Nguyễn đặt tên cho là Thuần Hàm Tổng. Thuần Hàm Tổng bao gồm các xã: Châu Cường, Châu Quang và một phần Châu Lý thuộc huyện Quỳ Hợp ngày nay. Mường Ham đã trở thành trung tâm chính trị, kinh tế và văn hoá xã hội của vùng này. Từ đó đến nay, bà con người Thái ở Quỳ Hợp mỗi khi nhắc đến Mường Ham đều gọi là “Mường Tôn” tức là mường gốc, mường đầu tiên của họ.
Sau khi Tạo Nọi qua đời, dân bản ở Mường Ham đã lập đền thờ ông. Song, rất tiếc là bây giờ đền Mường Hám chỉ còn trong tâm tưởng.
Già bản Lô Văn Dần, 78 tuổi ở bản Mường Ham, xã Châu Cường, huyện Quỳ Hợp cho biết: “Hàng năm vào ngày mồng 3, mồng 4 tết, dân Mường Ham đều có một mâm cơm đến cúng ông. Bà con người Thái ở các xã Châu Quang, Châu Thái, Châu Lý khi đi lễ hội cũng đến nhà thờ để cúng ông”.
Cho dù đền Mường Ham không còn nhưng hình ảnh Tạo Nọi vẫn được trân trọng lưu giữ trong lòng bà con người Thái từ ngày xưa cho đến bây giờ.
Trong câu chuyện với con cháu, già bản Lương Văn Tầm kể rằng: Cùng với việc thờ cúng Tạo Nọi vào dịp Tết Nguyên đán, hàng năm, bà con người Thái ở Mường Ham còn có lễ thờ cúng Tạo Nọi vào ngày mồng 2 tháng 8 (âm lịch). Buổi lễ được bắt đầu vào khoảng 8 giờ sáng. Dân bản làm một chiếc lọng vàng rất đẹp, rất trang trọng và uy nghiêm để đưa mâm cỗ đến đền thờ Tạo Nọi. Mâm cỗ để cúng Tạo Nọi gồm có một đĩa xôi, hai con gà luộc cùng với cá nướng và những gói mọc được làm bằng thịt gà hoặc cá. Sau khi cúng xong, mọi người nâng bức tượng Tạo Nọi được làm bằng một loại gỗ quý đặt vào lọng vàng; Sau đó, dân bản cùng nhau rước linh hồn và tượng Tạo Nọi về nhà một già bản có uy nhất đã được mọi người lựa chọn. Tượng Tạo Nọi được đặt lên một chiếc chiếu trải rộng ở vị trí trang trọng nhất trong ngôi nhà sàn. Lọng vàng được đặt phía trước, cách tượng độ vài mét. Hai bên lọng vàng là hai chum rượu vẫn còn bịt kín. Các mâm cơm của các gia đình đưa đến cúng Tạo Nọi được đặt hai bên và phía trước tượng, nhưng để bên ngoài chiếc chiếu. Mâm cơm này chỉ có hai thứ đó là xôi và các gói mọc. Gia đình mình có bao nhiêu người thì làm bấy nhiêu gói mọc. Bà con nói với nhau rằng: Đó là những món ăn mà lúc còn sống Tạo Nọi rất ưa thích.
Khi đã sắp đặt đầy đủ các lễ vật vào các mâm cỗ thì thầy mo làm lễ cúng Tạo Nọi. Khi cúng xong thì mọi người phân chia theo từng mâm (không phân biệt là mâm của nhà nào), rồi cả bản cùng ăn và cùng nhớ về Tạo Nọi. Sau bữa cơm, mọi người vẫn ở lại nhà già bản, cùng nhau uống rượu cần cho đến khoảng 5 giờ chiều để chờ thầy mo mời Tạo Nọi dùng bữa tối. Sau đó, mọi người lại cùng nhau rước lọng vàng đưa tượng và linh hồn Tạo Nọi trở lại đền thờ. Khi mọi việc xong xuôi thì mọi người mới được trở về nhà mình. Ai cũng thấy linh thiêng, xúc động và rất tự hào. Họ cảm thấy Tạo Nọi luôn ở bên cạnh để phù hộ, che chở cho mọi người được bình an, khoẻ mạnh và bày vẽ, giúp đỡ mọi người làm được nhiều lúa, ngô, nuôi được nhiều con trâu, con bò, con gà, con lợn, cho cuộc sống ngày càng sung sướng hơn.
Dựa vào những căn cứ lịch sử và thể theo nguyện vọng của bà con người Thái nói riêng và nhân dân huyện Quỳ Hợp nói chung; Trên cơ sở đề nghị của UBND xã Châu Cường, UBND huyện Quỳ Hợp và Sở Văn hoá-Thông tin Nghệ An (nay là Sở Văn hoá-Thể thao và Du lịch) đã quyết định khôi phục lại Lễ hội Mường Ham từ đầu Xuân Bính Tuất 2006. Đền thờ Tạo Nọi được làm mới và dựng lên trước hang Pựn Pang dưới ngọn núi cao nhất ở bản Mường Ham. Từ đó đến nay hàng năm Lễ hội Mường Ham đã được tổ chức vào hai ngày mồng 5 và mồng 6 tháng Giêng (âm lịch).
Cùng bà con người Thái ở Quỳ Hợp, nhân dân từ các địa phương trong huyện và có cả nhiều người ngoài huyện, với lòng thành kính, niềm tự hào, niềm vui đã đến Lễ hội Mường Ham để dâng hương tưởng nhớ Tạo Nọi - Người lập ra bản mường người Thái đầu tiên ở Quỳ Hợp - và tham gia các hoạt động văn hoá, thể thao.
Lễ hội Mường Ham diễn ra với các nội dung chính là Hội trại, liên hoan văn nghệ quần chúng và hội thi “Người đẹp Mường Ham” vào tối mồng 5. Lễ rước linh hồn Tạo Nọi từ thung lũng Túng Nhau ra đền thờ ở bản Mường Ham vào sáng mồng 6. Sau đó là phần lễ với các bài phát biểu của các vị lãnh đạo cấp xã và cấp huyện. Sau phần lễ là cuộc thi viết chữ Thái, thi ném còn, thi đấu các môn thể thao truyền thống và hiện đại, đặc biệt là cuộc thi ẩm thực của chị em phụ nữ với các món ăn truyền thống của dân tộc Thái trông rất đẹp mắt với nhiều hương vị rất hấp dẫn.
Cũng trong thời gian nói trên, những người đến lễ hội đã đi tham quan hang Pựn Pang rất đẹp và rất huyền bí với truyền thuyết về cuộc gặp gỡ giữa chàng Khủn Tinh - Người anh hùng của dân tộc Thái với cô Nang Ni xinh đẹp, dịu hiền và rất giỏi dang.
Lễ hội Mường Ham là một trong những hoạt động quan trọng nhất nhằm giữ gìn và phát huy những giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của các dân tộc, góp phần xây dựng Quỳ Hợp trở thành huyện văn hoá miền núi và dân tộc đầu tiên của tỉnh Nghệ An và khu vực Bắc Trung bộ.
Hơn một thế kỷ đã đi qua kể từ khi Tạo Nọi lập bản, dựng mường. Cùng với cả dân tộc, bà con người Thái ở Mường Ham nói riêng và Quỳ Hợp nói chung đã trải qua 45 năm sống dưới chế độ thực dân phong kiến, 15 năm đấu tranh để giành độc lập; 30 năm chiến tranh để giải phóng, bảo vệ Tổ Quốc và 30 năm sống trong hoà bình xây dựng đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng quang vinh và Bác Hồ vĩ đại.
Sau khi nước nhà giành được độc lập, có Đảng và Bác Hồ chỉ lối, dẫn đường, soi sáng tâm can, người Thái ở Mường Ham nói riêng, ở Quỳ Hợp và cả vùng Tây Bắc Nghệ An nói chung đều hiểu ra rằng: Các dân tộc và các dòng họ trong từng dân tộc đều là anh em và có chung một dòng máu Việt Nam. Vì vậy, các dân tộc, các dòng họ không được gây chia rẽ, hận thù và chèn ép lẫn nhau. Mọi người, mọi dân tộc phải đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau để xây dựng đất nước, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, bình yên.
Hơn 60 năm qua, kể từ ngày Cách mạng tháng Tám 1945 thành công cho đến nay, người Mường Ham đã luôn luôn nghe theo lời Đảng, lời Bác Hồ, cố gắng thực hiện tốt mọi chủ trương, chính sách của nhà nước. Các gia đình, các dòng họ người Thái đã cùng các dân tộc khác chiến đấu, hy sinh cho Tổ Quốc và lao động quên mình để thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu.
Đất Mường Ham đã từng ngày thay đổi. Người Mường Ham từng ngày lớn lên và vững vàng hơn. Các thế hệ con cháu của Tạo Nọi ở Mường Ham đã mở mang đất đai, cấy trồng nhiều lúa ngô, khoai, sắn nuôi nhiều trâu, bò, gà, lợn, dê, cá để vượt qua đói nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng. Người Mường Ham trồng trọt, chăn nuôi ngày càng giỏi hơn. Bây giờ, mỗi ha lúa nước ở đây đã cho năng suất hơn 12 tấn. Với gần 20 ha ruộng, dân bản Mường Ham mỗi năm đã có trên 200 tấn thóc, bình quân mỗi người là 400 cân. Con số đó khẳng định rằng: Dân Mường Ham không đói nữa. Những năm gần đây, bà con ở Mường Ham đã trồng ngô, khoai vụ Đông xen giữa hai vụ lúa cho nên đời sống càng khấm khá và chăn nuôi cũng phát triển hơn.
Ông Cao Minh Tấn, Bí thư chi bộ bản Mường Ham, Quỳ Hợp cho biết: “Từ năm 2003 trở về trước dân chúng tôi chưa quen làm vụ đông, đặc biệt trồng ngô xuống ruộng nước. Nhưng được sự chỉ đạo của huyện và trực tiếp của UBND xã được sự hỗ trợ về tập huấn kỹ thuật gieo trồng, vay giống ngô, chúng tôi về họp chi bộ, sau đó vận động, hướng dẫn cho bà con trồng ngô và khoai lang vụ Đông. Năm 2003 là năm đầu tiên nên mới làm được 7ha, sau đó hàng năm cứ tăng lên dần. Đến nay, toàn bộ diện tích ruộng, ngoài hai vụ lúa đã có thêm một vụ ngô hoặc khoai lang vụ Đông”.
Những đảng viên của chi bộ bản Mường Ham đều là những người gương mẫu trong cách làm ăn và trong đời sống hàng ngày cho nên đã được bà con dân bản tin yêu, mến phục.
Là uỷ viên phụ trách công tác dân số của bản, nhưng chị Sầm Thị Nhất vẫn là người vừa chăn nuôi giỏi lại vừa thâm canh giỏi. Tám sào ruộng của chị cứ đều đặn mỗi năm hai vụ lúa và một vụ ngô, khoai.
Đảng viên Vi Đức Xuyết là một giáo viên nghỉ hưu nhưng vẫn có 20 con bò, 10 con trâu, có ao nuôi cá và có cả máy xay xát, đập bột. Bây giờ ở Mường Ham đã có 3 máy cày, 3 máy tuốt lúa và 3 máy xay xát. Nhiều gia đình đã vào Mường Nọi để làm trang trại nuôi dê, trâu, bò, gà, lợn, đào ao thả cá và trồng rừng. Ông Quang Văn Duyên là người đang làm kinh tế trang trại giỏi nhất của bản Mường Ham. Khi chúng tôi hỏi chuyện, ông cho biết: “Gia đình tôi vào Mường Nọi từ năm 2000, thấy vùng này thuận tiện cho chăn nuôi, nhất là nuôi dê, gia đình tôi đã mua 30 con dê giống về nuôi. Từ năm 2000 đến năm 2005 đàn dê đã phát triển lên 200 con. Ngoài nuôi dê, gia đình tôi còn nuôi trâu, bò, lợn, làm ruộng, máy xay xát, máy tuốt lúa, trồng rừng, mỗi năm cho thu nhập trên 50 triệu đồng.
Ông Vi Văn Thăng đã trồng được 2 ha rừng. Vườn nhà ông rộng rãi và có đủ các loại cây ăn quả như vải thiều, cam, chanh, na dai, nhãn và các loại cây làm thuốc. Ông còn ươm các loại cây giống để bán cho bà con trong bản mình và các nơi khác.
Ông Lương Văn Dần có 30 con bò, 7 con trâu và rất nhiều gà vịt. Ông cũng đã trồng được 3 sào cỏ voi để cho nuôi bò.
Dưới sự lãnh đạo của chi bộ và ban cán sự, dân bản Mường Ham đã đoàn kết, thương yêu, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau, nghe theo lời cán bộ, đảng viên chỉ bảo, làm ăn cần cù, năng động. Bây giờ, hơn 100 hộ ở Mường Ham đã có tổng đàn trâu, bò gần 400 con, đàn dê hơn 400 con, đàn lợn trên 300 con và rất nhiều gà, vịt. Bản Mường Ham cũng đã trồng được hơn 50 ha rừng với 3.500 cây lim, gần 30.000 cây lát hoa, 6.000 cây de hương và hơn 15.000 cây mỡ. Rừng và đất rừng đang được khoanh nuôi, bảo vệ tốt hơn. Hơn 1.200 mét kênh mương và gần 500 mét trục đường chính đã được bê tông hoá. Bản làng ngày càng phong quang, sạch đẹp hơn.
Cùng với việc chăm lo phát triển kinh tế, người Mường Ham đã luôn luôn trân trọng giữ gìn và phát huy truyền thống văn hoá tốt đẹp của dân tộc mình, đồng thời hoà nhập nhanh với nền văn hoá mới. ở Mường Ham bây giờ, các hủ tục, tập quán lạc hậu trong việc cưới, việc tang, cúng bái, lễ hội không còn nữa. Đó là những nhân tố tạo nên sức mạnh cộng đồng cho người Mường Ham làm được nhiều điều tốt đẹp cả trong kháng chiến và trong hoà bình xây dựng quê hương đất nước.
Đã từng sống dưới chế độ thực dân, phong kiến; Đã trải qua những giai đoạn lịch sử của đất nước, nhất là từ khi có Đảng, có Bác Hồ lãnh đạo; Hơn ai hết, các già làng là những người đã cảm nhận một cách đầy đủ và sâu sắc nhất về sự đổi thay trên mảnh đất này.
Già bản Lô Văn Dần nói với chúng tôi: “Trong thời gian chống Pháp và chống Mỹ đời sống người dân rất khổ sở, tất cả vì chiến tranh, và còn làm ăn theo lối nên cũ nên kinh tế không phát triển được. Sau khi hoà bình lập lại (1975) phong trào của bản Mường Ham đi lên dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhà nước, dân ổn định làm ăn không sợ chiến tranh. Năm 2000 trở lại đây tôi thấy phong trào của dân Mường Ham rất tốt. Trước đây nhà tranh tre nứa mét, bây giờ đều có nhà xây lợp ngói. Tất cả con em đều được học hành, nhà nào cũng có ti vi và khoảng 50% đã có xe máy”.
Vững vàng như hai dãy Pù Hịa và Pù Khốm; Cần mẫn như dòng Nậm Huống để dâng nước ngọt, phù sa cho đôi bờ ngô lúa xanh tươi; Bà con người Thái ở bản Mường Ham đang đoàn kết bên nhau, chung sức, chung lòng cho cây lúa ở Mường Nọi sây bông, nặng hạt, cho cây rừng ở Túng Nhau xanh hơn để che mát cho linh hồn Tạo Nọi. Người Mường Ham cũng sẽ làm nhiều ngô khoai để tăng nhanh đàn lơn, đàn gà, mở nhiều trang trại, vườn rừng, trồng nhiều cỏ voi để tăng nhanh đàn trâu, đàn bò, đàn dê, đào ao nuôi cá, trồng rau cao cấp và trồng được thật nhiều cây gỗ quý...
Người Mường Ham đã quyết tâm và sẽ làm được những điều tốt đẹp mà mình đang mong ước cho bản làng quê hương có những mùa Xuân với những ngày lễ hội được mở ra trong niềm vui bất tận!