Hồ Thung Mây nằm ở Trung tâm thị trấn Quỳ Hợp, là công trình văn hóa du lịch được kết tinh từ mồ hôi, công sức, trí tuệ của đồng bào các dân tộc Quỳ Hợp. Đồng thời, Hồ nước này còn là một báu vật vô giá mà thiên thiên đã ban tặng cho con người ở mảnh đất này.
Hồ Thung Mây là lá phổi đảm bảo môi trường sinh thái trong lành cho vùng trung tâm huyện lỵ. Nơi đây là cảnh quan tươi đẹp, là điểm đến của du khách thập phương, là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa, vui chơi, giải trí cho nhân dân các dân tộc huyện nhà.
Khu vực trung tâm Thị trấn Quỳ Hợp - Ngày xưa được gọi là Túng Khoong - Tiếng Thái nghĩa là Thung Mây. Túng Khoong ngày ấy là một thung lũng với cây cối um tùm, rậm rạp, cây rừng ở đây đa số là cây song, cây mây. Ở giữa thung lũng này có một dòng suối bắt nguồn từ dãy núi phía Bắc chảy về Sông Dinh, tên gọi là Khe Lang. Thung lũng này quanh năm mây phủ. Người Quỳ Hợp ngày ấy chưa sinh sống và canh tác ở mảnh đất này.
Cùng với sự phát triển của huyện Quỳ Hợp, Túng Khoong ngày ấy - Hồ Thung Mây bây giờ đã có nhiều đổi thay. Năm 1961, hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng và Nhà nước, hơn 500 đoàn viên thanh niên thuộc Nông trang 12/9 Tỉnh đoàn Nghệ An từ các huyện Hưng Nguyên, Thanh Chương, Nghi Lộc… đã vượt qua muôn vàn khó khăn để đến với mảnh đất huyện miền núi Quỳ Hợp, trong đó có Túng Khoong - nơi được xem là "Rừng thiêng, nước độc" để xây dựng kinh tế và phát triển văn hóa miền núi. Hành trang của họ ngày ấy là trái tim rực lửa và bầu nhiệt huyết của tuổi thanh xuân. Tạm gác lại nỗi nhớ quê hương và khắc phục khó khăn buổi ban đầu, với tinh thần "Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên", bằng bàn tay và nghị lực của tuổi trẻ, sau một tháng, những đoàn viên thanh niên ưu tú đã biến nơi này thành khu kinh tế thanh niên. Khu vực Hồ hiện nay, thuộc đội 3 - Nông trang 12/9. Môi trường mới, con người mới, cuộc sống mới từng ngày đi lên làm cho bộ mặt Túng Khoong dần dần thay da đổi thịt, trở thành khu dân cư trù phú.
Sau ngày đất nước thống nhất, cuối năm 1975, thực hiện chủ trương của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện, chiến dịch dời dân, đào đất, đắp đập ngăn nước Khe Lang để xây dựng vùng Túng Khoong thành Hồ nước rộng 13 ha được thực hiện. Sau 103 ngày đêm lao động sôi nổi, khẩn trương của hàng ngàn lao động, với hàng vạn ngày công, trong đó chủ yếu là đoàn viên thanh niên huyện nhà, công trình xây dựng Hồ Túng Khoong được hoàn thành trong niềm vui phấn khởi của cán bộ, đảng viên và đồng bào các dân tộc huyện Quỳ Hợp.
Từ đó đến nay, công trình thủy lợi này gắn liền với mảnh đất, con người Quỳ Hợp. Năm 1983, Thị trấn Quỳ Hợp được thành lập. Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện, Thị trấn Quỳ Hợp ngày càng phát triển, trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa- xã hội của huyện nhà. Mặt Hồ trong xanh, lung linh gợn sóng đã chứng kiến và in hình bóng bao công trình ngày càng vươn cao, chứng kiến sự đổi thay và phát triển của quê hương, sự lớn lên, phấn đấu và trưởng thành của bao thế hệ con người Quỳ Hợp trên mảnh đất này.
(Công trình xây dựng kè, đường bờ Hồ, lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng và chiến dịch nạo vét lòng Hồ Thung Mây)
Hơn 40 năm hình thành và phát triển, do kết cấu địa chất vùng bờ bao chưa ổn định và địa hình đầu nguồn cung cấp nước là vùng đồi núi dốc có độ bào mòn lớn nên khu vực lòng Hồ đã bị bồi lắng, thu hẹp và môi trường bị ô nhiễm. Vì vậy, việc xây kè, đường bờ hồ, lắp đặt hệ thống chiếu sáng, cũng như nạo vét lòng Hồ để tăng thể tích lòng Hồ, cải tạo môi trường sinh thái là rất cần thiết.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVIII, Huyện uỷ, HĐND, UBND huyện đã chọn xây dựng công trình Hồ Thung Mây là một công trình văn hoá trọng điểm của huyện. Nơi đây sẽ được xây dựng trở thành một công trình văn hóa gắn với du lịch của huyện nhà. Dự án kè bờ Hồ, xây dựng đường và lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng đã triển khai xây dựng và hoàn thành trước Lễ hội 19/4/2007.
Nhằm tập trung chỉ đạo, xây dựng công trình trọng điểm này, Ban thường vụ Huyện uỷ đã có chủ trương huy động mọi nguồn lực để mở chiến dịch nạo vét lòng Hồ. UBND huyện đã thành lập Ban chỉ huy chiến dịch huy động lực lượng lao động nạo vét lòng Hồ Thung Mây.
Đây là một chiến dịch lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm giáo dục lòng tự hào, tình yêu quê hương, đất nước và trách nhiệm của mọi người dân, nhất là lực lượng đoàn viên thanh niên đối với sự phát triển của huyện. Do đặc điểm địa hình, địa chất của khu vực lòng Hồ và bờ bao chưa ổn định nên hình thức thi công phải kết hợp giữa lao động thủ công và phương tiện cơ giới. Ngày 10/3/2007, chiến dịch nạo vét lòng Hồ Thung Mây bắt đầu. Toàn bộ lực lượng đoàn viên, thanh niên các xã, thị trấn, các Trường Phổ thông trung học, các tổ chức đoàn cơ sở trực thuộc, cán bộ, công chức các cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn Thị trấn Quỳ Hợp với hơn 1,5 vạn lao động đã kéo quân về trung tâm thị trấn Quỳ Hợp. UBND huyện và Ban chỉ huy chiến dịch cũng chủ trương huy động sự đóng góp phương tiện và kinh phí của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đóng trên địa bàn.
Với khát vọng và ý chí "Dời non, lấp biển", với tinh thần "Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên", với khát khao được thể hiện và công hiến của tuổi trẻ tình nguyện, xung kích và sáng tạo, với sự đóng góp nguồn tài lực quan trọng của các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị, chiến dịch nạo vét lòng Hồ Thung Mây đã hoàn thành vượt mức kế hoạch, đảm bảo thời gian, tiến độ và chất lượng công trình.
Chiến dịch nạo vét lòng Hồ và công trình cải tạo, nâng cấp bờ Hồ Thung Mây hoàn thành đã góp phần làm tăng thêm vẻ đẹp cho Thị trấn Quỳ Hợp và huyện nhà chúng ta. Ngày nay, Hồ Thung Mây là niềm tự hào của quê hương, con người Quỳ Hợp, là điểm đến của du khách gần xa. Ngoài ý nghĩa là một công trình văn hóa - du lịch trọng điểm, Hồ Thung Mây còn là lá phổi góp phần giữ gìn môi trường sinh thái và là nguồn cảm hứng bất tận để nhân dân và du khách sáng tạo, hưởng thụ các giá trị văn hóa tinh thần. Nơi đây sẽ được xây dựng thành Công viên Hồ Thung Mây, là nơi tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí cho nhân dân.