Theo người dân xóm Xiểm xã Hạ Sơn
huyện miền núi Quỳ Hợp cho biết : Nghề đan võng ở đây có từ lâu lắm, người khai
sinh và truyền nghề là ai , tận bây giờ vẫn không ai rõ,nhưng có điều nghề đan
võng ở đây tận hôm nay trong thời buổi thị trường bày bán đủ các loại võng dù,
võng tơ xanh , đỏ, tím, vàng, khung thép tiện lợi...chiếc võng gai vẫn cứ đong
đưa trưa hè trong những mái nhà tranh miền quê...và những người phụ nữ dân tộc
Thổ xóm Xiểm vẫn ngày ngày tranh thủ lúc nông nhàn ngồi đan từng tấm võng gai
truyền thống quê mình...
Xóm Xiểm ngày nay
chính là khu dân cư hợp nhất từ làng Đồng Võng và làng Đồng Xiểm. Đây là nơi có
nghề đan võng - sản phẩm thủ công tiêu biểu của đồng bào dân tộc Thổ ở Quỳ Hợp.
Võng gai Đồng Võng được đan từ sợi gai, sợi đay theo một kỹ thuật truyền thống
của những người thợ thủ công ở đây- gẩn như là một nét đặc trưng, nghề đan võng
ở Đồng Võng chỉ dành cho người phụ nữ. Võng gai Đồng Võng được phân thành nhiều
loại có giá trị khác nhau theo lối bố trí sắp xếp hoa văn từ võng then hai đến
võng then sáu, then bảy( lối phân biệt theo cách bố trí các sợi đan từng mắt
võng, ví dụ then hai là hai sợi, then ba, then ba là ba sợi...).
(Bà Trương Thị
Thân - một trong những thợ giỏi ở Đồng Võng - đang đan võng then ba)
Tuy nhiên kích
thước của tất cả các loại võng Đồng Võng đều có chiều dài 2,2 mét, rộng 1,6 mét
hai đầu võng được tết chặt. Đặc biệt hai phần tang hai mép võng được người thợ
bện rất cầu kỳ có khổ cỡ 3-4 cm rất chắc chắn... Các mắt võng có khổ 12cm X 12
cm rất đều. Sợi đay, sợi gai sau khi thu hoạch được tước và bảo quản rất kỹ để
đảm bảo chất lượng cũng như màu sắc của sợi võng khi ra thành phẩm. Sợi gai đan
được người thợ vừa đan vừa xoắn sao cho săn chắc, đều tăm tắp....Tất cả đều
bằng tay, không dùng đến các vật dụng như cách vẫn thường thấy trong đan lưới,
tuy về cơ bản nghề đan võng cũng gần giống với nghề đan các loại lưới đánh cá
vậy. Quy trình đan một tấm võng bắt đầu từ công đoạn chọn sợi, tết quai võng,
chọn loại then hai , then ba... để phân tao võng phù hợp theo ý định. Cái khó
và cũng là hồn của võng theo người thợ ở đây cho biết đó là cách tết phần tang
võng và tạo hoa văn từng mắt võng...Ở võng then hai, then ba mỗi mắt võng có
hai đến bốn lỗ nhỏ nằm trong một khung đan..số lỗ tăng theo từng loại then tư,
then năm, then sáu...Sợi đan được xoắn chặt khi đan nên rất săn chắc có cỡ 5-6
ly, các vết nối với nhau theo một kỹ thuật rất cao không thể phát hiện được.
Thông thường, với người thợ giỏi thời gian đan một tấm võng chỉ 4 đến 5 ngày là
hoàn thiện.
Ở Đồng Võng hiện
có nhiều người biết đan võng, nhưng thợ giỏi chỉ có dăm bảy người. Đó là các bà
Trương Thị Loan, Lê Thị Mận, Trương Thị Thân...Đây là những người thợ được
người địa phương tôn vinh như những bậc thầy của nghề. Võng Đồng Võng làm ra
nhằm để trao đổi hàng hoá với đồng bào các dân tộc trong khu vực, chủ yếu là
đổi váy áo của đồng bào dân tộc Thái - vốn có nghề dệt truyền thống trong khi
người Thổ hầu như không có nghề dệt vải quay tơ. Ngoài ra, võng Đồng Vọng còn
rất được người dân trong khu vực ưa chuộng nên có giá trị kinh tế khá cao.
Thông thường mỗi chiếc võng bình thường ( then hai, then ba, then tư..) có giá
từ 300 đến 400 ngàn đồng theo thời giá hiện tại.Cũng có loại có giá cao hơn tuỳ
theo chất lượng,thậm chí có những chiếc được đan theo đơn đặt hàng rất công phu
có giá trên một triệu !
Hiện nghề đan võng
ở Đồng Võng ( xóm Xiểm hôm nay) vẫn được những người thợ- nghệ nhân - ở đây giữ
gìn và truyền dạy cho thế hệ trẻ với mong muốn không để cho nghề truyền thống
của dân tộc mình mai một. Thực tế, với nghề đan võng không phải là nguồn thu
nhập chính nhưng ngoài việc bảo tồn vốn nghề, còn là một sản phẩm không thể
thay thế đối với người phụ nữ dân tộc Thổ nơi đây dùng để trao đổi các vật dụng
trong sinh hoạt của mình với cộng đồng các dân tộc trong khu vực. Hàng ngày
tranh thủ lúc nông nhàn, những người thợ ở làng quê vùng sâu Hạ Sơn lại tỉ mẩn
làm nên những chiếc võng gai Đồng Võng...Chiếc võng gai với kết cấu như một một
tác phẩm nghệ thuật mang dấu ấn một miền quê.
Tác giả bài viết: Lê
Bá Liễu
|